Trên cơ sở cách hiểu đã trình bày ở trên, có thể rút ra một số đặc điểm chung của bảo hộ công dân:
Thứ nhất, bảo hộ công dân thể hiện mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước và công dân trên cơ sở quốc tịch. Công dân của quốc gia được hưởng đầy đủ các quyền và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định của pháp luật dù họ sinh sống ở bất kỳ đâu, trong hay ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Ngược lại, nhà nước có quyền, đồng thời cũng có nghĩa vụ đảm bảo quyền và lợi ích của công dân trong mọi hoàn cảnh. Do đó, bảo hộ công dân vừa thể hiện đây là quyền mà công dân được hưởng, đồng thời đó cũng là nghĩa vụ mà nhà nước phải thực hiện với công dân.
Chủ thể tiến hành hoạt động bảo hộ công dân chính là quốc gia mà cá nhân đó mang quốc tịch. Quốc gia bảo hộ công dân thông qua hoạt động của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của quốc gia. Trong một số trường hợp, hoạt động bảo hộ công dân có sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, vai trò của các tổ chức quốc tế chỉ là hỗ trợ, giúp đỡ quốc gia khi thực hiện các hoạt động bảo hộ công dân chứ không làm cho các tổ chức quốc tế trở thành chủ thể bảo hộ công dân.
Đối tượng của bảo hộ công dân chính là cá nhân mang quốc tịch quốc gia. Quốc tịch là cơ sở tiền đề ban đầu để cá nhân công dân được hưởng sự bảo hộ của quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, có một số trường hợp đặc biệt, bảo hộ công dân được thực hiện không dựa trên cơ sở quốc tịch như bảo hộ đối với những người có tư cách công dân Liên minh châu Âu hoặc trường hợp bảo hộ đối với cá nhân mang hai hay nhiều quốc tịch. Tác giả sẽ đi vào phân tích cụ thể hơn ở chương thứ hai.
Thứ hai, hoạt động bảo hộ công dân được điều chỉnh đồng thời bởi pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Mối quan hệ giữa các quốc gia cần có một cơ chế chung để điều chỉnh, chủ yếu về mặt nguyên tắc. Các quy định về bảo hộ công dân cũng được đề cập trong nhiều điều ước quốc tế như Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, các điều ước quốc tế về quyền con người (Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, v…v). Quốc gia khi thực hiện hoạt động bảo hộ công dân không được vượt quá phạm vi cho phép của pháp luật quốc tế, luôn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, trên cơ sở chủ quyền, quốc gia có quyền tối cao xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến các biện pháp bảo hộ công dân mà không quốc gia nào có quyền can thiệp. Chủ quyền là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của quốc gia. Chủ quyền của quốc gia bao gồm chủ quyền đối với lãnh thổ và cả chủ quyền đối với công dân. Quốc gia là chủ thể duy nhất có quyền cấp quốc tịch cho công dân và quốc tịch chính là cơ sở để một quốc gia tiến hành bảo hộ công dân. Về mặt nguyên tắc, quốc gia chỉ tiến hành hoạt động bảo hộ đối với công dân nước mình.
Chương sau của bài viết sẽ đi vào phân tích cụ thể các đặc điểm trên.