- Thứ năm về Hệ thống chính trị: Từ tiêu chí 18 đến tiêu chí 19.
19 An ninh, trật tự xã hội An ninh, trật tự xã hội được giữ vững Đạt Đạt Đạt Đạt Đạt Đạt Đạt Đạt
1.1.3. Những nội dung chủ yếu trong xây dựng mô hình nông thôn mớ
Nông thôn mới là biểu hiện cụ thể của một nông thôn phát triển, nó khác hẳn với nông thôn truyền thống, là một nông thôn mà ở đó kinh tế phát triển cao hơn, đời sống về vật chất văn hoá và tinh thần tốt hơn; bộ mặt nông thôn hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất phục vụ tốt cho sản xuất, phục vụ tốt cho đời sống văn hóa của người dân; đẩy mạnh dân chủ hoá ở nông thôn và nâng cao vai trò của cộng đồng trong những quyết định về phát triển sản xuất, phát triển văn hoá và xã hội trên địa bàn.
Những nội dung trên là điều kiện cần để xây dựng mô hình NTM với ý nghĩa rằng, mỗi địa phương là một mô hình NTM thì ít nhất phải đạt những nội dung cụ thể sau:
1.1.3.1. Phát triển kinh tế
Sản xuất phát triển, nhất là sản xuất hàng hoá là điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Kinh tế có phát triển thì những yếu tố xã hội mới có cơ hội phát triển theo và đây là động lực chính cho những tiến bộ xã hội được thực hiện. Trong các nội dung XD NTM thì nội dung phát triển sản xuất hàng hoá làm tăng thu nhập của người dân là quan trọng nhất. Tuy vậy, không phải bất cứ địa phương nào cũng có điều kiện để sản xuất hàng hoá mà phải tạo ra hoặc lựa chọn những sản phẩm nhất định có thể sản xuất hàng hoá.
Nói một cách cụ thể, những địa phương đã phát triển ngành nghề thì đẩy mạnh hơn nữa các ngành nghề là biện pháp để nâng cao sản xuất hàng hoá; địa phương nào có điều kiện phát triển trang trại là đã có điều kiện sản xuất nông sản hàng hoá và cần phải đẩy mạnh các hoạt động sản xuất hàng hoá quy mô trang trại, để tạo cơ sở cho phát triển nông thôn và XD NTM. Nói như vậy, không có nghĩa là địa phương nào chỉ thuần nông và không có nhiều đất làm trang trại thì không thể phát triển sản xuất hàng hoá và do đó khó có điều kiện để XD NTM, chẳng hạn như ở Đồng bằng sông Hồng nhiều địa phương chủ yếu sống bằng nông nghiệp trong khi đất chật, người đông thì sẽ mãi mãi không có điều kiện XD NTM.
Thật ra, những địa phương như vậy vẫn có thể phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, chẳng hạn việc phát triển chăn nuôi bằng biện pháp quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung là vẫn có thể thực hiện được và chính việc xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung có thể đẩy mạnh, để trở thành chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra sản xuất hàng hoá.
Ngoài ra, có thể thực hiện biện pháp "cấy nghề" để trở thành địa phương có sản xuất ngành nghề và đó là điều kiện để mở rộng sản xuất hàng hoá theo hướng phát triển ngành nghề.
1.1.3.2. Phát triển cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn
Nội dung tiếp theo cần thiết cho một địa phương XD NTM là có một bộ mặt nông thôn đổi mới, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng là yếu tố thiết yếu. Cơ sở hạ tầng không những là nhân tố đảm bảo thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế, mà còn nâng cao đời sống của người dân. Đối với cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi, các công trình chăm sóc y tế, trường học, công trình văn hoá... được xếp thứ tự là các hạng mục ưu tiên cần được phát triển để đáp ứng với yêu cầu thiết yếu của đời sống và sản xuất.
Những công trình phát triển cơ sở hạ tầng, trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất (hệ thống thuỷ lợi, chuồng trại chăn nuôi tập trung để thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, các hộ có khả năng chăn nuôi lớn có thể mở rộng chăn nuôi ở khu tập trung này) thường được quan tâm và đầu tư thích đáng để nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và tạo ra các động lực cho việc phát triển các cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho phát triển kinh tế và đời sống.
Xây dựng NTM không chỉ tập trung vào sản xuất hàng hoá, mà còn đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội khác, trong đó các công trình y tế, giáo dục, văn hoá cũng cần được ưu tiên phát triển.
1.1.3.3. Phát triển văn hoá và nâng cao dân trí
Việc nâng cao dân trí, phát triển văn hoá sẽ là một trong những động lực để giải phóng sức lao động, kích thích sáng tạo, đẩy mạnh sản xuất cho chính họ và cho cộng đồng dân cư nông thôn, trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Người nông dân có kinh tế ổn định, có trình độ văn hoá, có lối sống văn minh hiện đại là mẫu người nông dân mới trong nông thôn đổi mới, không những là mục tiêu trước mắt mà còn là mục tiêu lâu dài của công cuộc phát triển nông thôn ở nước ta.
Để thực hiện được yêu cầu này, việc xây dựng các cơ sở văn hoá xã hội tốt hơn, khang trang hơn chỉ là một trong nhiều yếu tố mang tính hình thức.
Cần có những nội dung thiết thực, trong việc xây dựng con người có trình độ văn hoá chuyên môn lại vừa có văn hoá là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và có tính lâu dài.
Trong XD NTM, không chỉ tạo ra các nhà văn hoá, các công trình phúc lợi công cộng mà điều cốt yếu là phải xây dựng các phong trào hoạt động văn hoá, thể thao, phát triển dân trí có tính thiết thực và được cả cộng đồng tham gia. Do đó, xây dựng các hạ tầng văn hoá xã hội luôn luôn phải đi đôi với những nội dung của những hoạt động này.
Địa phương XD NTM cần phải là địa phương có phong trào văn hoá mới, vì văn hoá mới là tiêu chí cần thiết trong xây dựng con người mới, phát huy nền dân chủ nhân dân, xây dựng một cuộc sống văn hoá tinh thần lành mạnh.
1.1.3.4. Đảm bảo dân chủ thực chất ở nông thôn
Sự tham gia của người dân, của cộng đồng trong XD NTM là một trong những yếu tố cơ bản, để nâng cao tính dân chủ ở nông thôn và từ đó mở rộng hơn nữa vấn đề dân chủ ở nông thôn trong nhiều lĩnh vực khác kể cả những vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội. Từ đó, cộng đồng dân cư sẽ được tham gia vào mọi quá trình ra quyết định cũng như thực hiện các quyết sách của các cấp chính quyền ở địa phương mà mục tiêu cuối cùng cũng là để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1.1.3.5. Phát triển nguồn lực con người
Trong quá trình thực hiện CNH-HĐH nông thôn, yêu cầu cấp thiết là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh tốt hơn. Người nông dân giờ đây đang tự chủ vươn lên, nắm bắt thị trường, chuyển đổi mục đích, phương pháp canh tác để làm giàu trên mảnh đất của mình.
Để nông dân có thể làm được như vậy, Nhà nước cần đầu tư và giúp đỡ nhiều hơn, cụ thể hơn cho nông dân đặc biệt là vấn đề nâng cao trình độ các
mặt về sản xuất, thị trường, quản lý... Trong XD NTM, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, khuyến thương cần được đẩy mạnh thông qua các chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và ngành nghề.
1.1.3.6. Bảo vệ môi trường và tài nguyên
Tăng trưởng kinh tế cao là điều kiện thiết yếu để phát triển nông thôn, song điều đó không có nghĩa là phát triển kinh tế với bất cứ giá nào. Trong phát triển kinh tế, việc giữ gìn và bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để tăng trưởng một cách bền vững.
Bên cạnh đó, việc giữ gìn và bảo vệ môi trường cũng là một trong những nội dung đảm bảo cho cuộc sống tốt đẹp, hơn nữa nếu có điều kiện có thể kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường với phát triển các cảnh quan thiên nhiên ở khu vực nông thôn, còn có thể tạo điều kiện lớn cho mục tiêu khai thác tiềm năng du lịch sinh thái. Về lâu dài, nông thôn phải đúng là nơi có cảnh quan và môi trường thực sự lý tưởng cho cuộc sống và là “lá phổi xanh” trong sự CNH-HĐH đất nước.
Trong quá trình XD NTM, cũng phải đánh giá xem một địa phương có khả năng xây dựng mô hình NTM hoặc đã trở thành một mô hình NTM hay chưa? Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp, hơn nữa trong hoàn cảnh nông thôn nước ta còn nghèo nàn và lạc hậu thì yêu cầu đồng thời phải đạt tất cả các nội dung sẽ trở nên khó thực hiện.
Tuỳ từng điều kiện cụ thể của mỗi địa phương mà thứ tự ưu tiên của mỗi nội dung sẽ được thay đổi cho phù hợp và đảm bảo để công cuộc XD NTM thu được kết quả cao.