1.3 Đặc điểm làng nghề và các nhân tố ảnh hƣởng đến sự phát triển
1.3.3 Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển làng nghề
Quá trình phát triển của làng nghề chịu tác động của nhiều nhân tố, những nhân tố này có sự biến đổi trong từng thời kỳ và tác động theo chiều hướng khác nhau. Chúng có thể là những nhân tố thúc đẩy nhưng ngược lại cũng có thể có những nhân tố kìm hãm sự phát triển. Ở mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi làng nghề do có những đặc điểm khác nhau về các điều kiện địa lý tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hoá nên sự tác động của những nhân tố này là không giống nhau. Tuy nhiên, hiểu một cách khái quát chúng bao gồm những nhân tố cơ bản sau:
Nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực quan
trọng nhất của sự phát triển. Nguồn nhân lực của làng nghề bao gồm những nghệ nhân, những người thợ thủ công và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh. Những nghệ nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền nghề, dạy
nghề, đồng thời họ là những người sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo mang đậm yếu tố văn hoá dân tộc. Hiện nay, ở nhiều làng nghề vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết với nghề, muốn giữ gìn và phát triển nghề. Bên cạnh đó, một lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ có khả năng thích ứng với những điều kiện mới của nền kinh tế thị trường, là nhân tố cốt yếu nhất quyết định toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh ở các làng nghề. Song, một hạn chế rất lớn đối với nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực ở các làng nghề nói riêng là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, trình độ chuyên môn và trình độ văn hoá thấp, nhất là đối với các chủ doanh nghiệp. Đây là một khó khăn cơ bản trong việc phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nguồn vốn: Đây là một nguồn lực vật chất rất quan trọng đối với quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiệm vụ chủ yếu của nguồn vốn là đầu tư để phát triển sản xuất, đầu tư phát triển cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng, đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi đó, với thực trạng phát triển nhỏ lẻ ở các làng nghề hiện nay, nguồn vốn có để sản xuất kinh doanh chủ yếu là vốn tự có và vốn vay của người thân nên kéo theo hệ luỵ là: Sản phẩm làm ra thường không có sức cạnh tranh, bởi một phần vì công nghệ lạc hậu, mẫu mã kém phong phú còn phần khác là không tận dụng được lợi thế về qui mô nên chi phí tăng cao bất lợi trong cạnh tranh về giá. Để giải quyết được vấn đề này, làng nghề cần thiết phải huy động được một lượng vốn lớn để thay đổi cả qui mô sản xuất lẫn công nghệ, vừa nâng cao năng suất, chất lượng, tận dụng ưu thế về qui mô giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, lúc này khả năng tìm kiếm thị trường mới của làng nghề được nâng cao, thị trường được đa dạng hoá, làng nghề có thể xác định được thị trường mục tiêu cho mình. Khi đó, làng nghề mới phát triển bền vững được. Vì vậy, sự phát triển của làng nghề phụ thuộc rất lớn vào các nguồn vốn huy động được. Trước đây, vốn của các hộ sản xuất
kinh doanh đều rất nhỏ bé . Tuy nhiên, với năng lực của các làng nghề thì không thể tự huy động được nguồn vốn lớn như vậy. Cho nên, để giải quyết khó khăn này, các làng nghề cần có sự hỗ trợ tích cực và cụ thể từ phía Nhà nước.
Yếu tố thị trường: Sự tồn tại và phát triển của làng nghề phụ thuộc rất lớn vào khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú và thường xuyên biến đổi của thị trường. Những nghề sản xuất có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhu cầu của thị trường sẽ có sự phát triển nhanh chóng. Sự thay đổi nhu cầu của thị trường tạo định hướng cho sự phát triển của các nghề làng nghề. Những nghề mà sản phẩm của nó phù hợp với nhu cầu của xã hội, có khả năng tiêu thụ lớn thì vẫn phát triển bình thường. Ngay cả trong mỗi một nghề, cũng có những làng nghề phát triển, trong khi một số làng nghề khác lại không phát triển được, do sản phẩm làm ra chỉ là những sản phẩm cũ, ít chú ý đến sự thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng và giá cả nhằm đáp ứng được sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng trên thị trường.
Trình độ kỹ thuật và công nghệ: Trình độ kỹ thuật và công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và giá thành của sản phẩm, đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá trên thị và cuối cùng là quyết định đến sự tồn tại phát triển hay suy vong của một cơ sở sản xuất, một ngành nghề nào đó. Nhận thức được điều đó, nhiều làng nghề đã đổi mới trang thiết bị, cải tiến áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất để đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ và ổn định cho các làng nghề. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp do đặc điểm kỹ thuật công nghệ của một số làng nghề vẫn còn mang nặng tính chất thủ công, thô sơ lạc hậu nên đó vẫn là một trong những nhân tố làm cản trở quá trình phát triển các làng nghề.
Hạ tầng cơ sở: Kết cấu hạ tầng bao gồm hệ thống các đường giao thông, điện, cấp và thoát nước, bưu chính viễn thông… có ảnh hưởng rất lớn
đến sự hình thành, tồn tại và phát triển của các làng nghề. Thực tế ngày càng cho thấy rõ làng nghề chỉ có thể phát triển mạnh ở những nơi có kết cấu hạ tầng đảm bảo và đồng bộ. Đây là yếu tố có tác dụng tạo điều kiện, tiền đề cho sự ra đời và phát triển của làng nghề, tạo điều kiện khai thác và phát huy những tiềm năng sẵn có của làng nghề. Sự phát triển của yếu tố này sẽ đảm bảo việc vận chuyển và cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng giao lưu hàng hoá, đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất đồng thời làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông đã giúp các chủ thể sản xuất kinh doanh nắm bắt kịp thời, nhanh chóng, chính xác thông tin thị trường để có những ứng xử kịp thời. Tuy nhiên, cho đến nay sự phát triển của các làng nghề vẫn còn gặp phải không ít khó khăn do ảnh hưởng của sự yếu kém và thiếu đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng.
Nguồn nguyên vật liệu: Yếu tố nguyên vật liệu cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến Làng nghề. Khối lượng, chủng loại, phẩm cấp và khoảng cách từ cơ sở sản xuất tới nơi có nguồn nguyên vật liệu có ảnh hưởng tới chất lượng và giá thành sản phẩm của các đơn vị sản xuất. Cho nên, các làng nghề thường chú ý nhiều đến yếu tố nguyên vật liệu. Trước đây, phần lớn các làng nghề được hình thành do có nguồn nguyên vật liệu tại chỗ và nghề nghiệp chủ yếu được gắn bó với nguồn nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Hiện nay, nguồn nguyên liệu tại chỗ của nhiều làng nghề truyền thống đã cạn kiệt, phải vận chuyển từ nơi khác về, điều kiện khai thác, vận chuyển có ảnh hưởng tới việc đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho các làng nghề. Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay, nguyên vật liệu cho các làng nghề đã có sự phong phú đa dạng. Một loại nguyên vật liệu có thể dùng cho nhiều loại sản phẩm, ngược lại một loại sản phẩm có thể dùng nhiều loại nguyên vật liệu thay thế. Vì vậy, vấn đề lựa chọn và sử dụng các loại nguyên vật liệu thay thế hợp lý, theo hướng đa dạng hóa, giá rẻ, bảo đảm cho quy trình sản xuất
nhanh, đảm bảo sản phẩm của các làng nghề có được chất lượng cao, giá thành hạ là điều cần được quan tâm.
Chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước : Hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển hay suy vong của các làng nghề. Thời kỳ trước đổi mới, chúng ta chỉ tập trung phát triển kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, không chấp nhận kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể. Các hộ sản xuất trong các làng nghề không được coi là các chủ thể kinh tế độc lập. Đó là một nhân tố khiến cho các làng nghề không phát triển được. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, các làng nghề đã phục hồi và phát triển mạnh. Sự chuyển biến quan trọng này được tác động bởi các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, VII, VIII, IX, X và nhiều nghị quyết trung ương đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế nông thôn, đề ra biện pháp, chính sách phát triển toàn diện kinh tế xã hội nông thôn, trong đó có làng nghề. Một trong những chính sách đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đổi mới có tác dụng phát huy sức mạnh nội lực của làng nghề, đó là chính sách phát triển các thành phần kinh tế. Với chính sách này, các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể trước đây không được chấp nhận nay được khuyến khích phát triển. Chính sách này có tác động thúc đẩy tất cả các thành phần kinh tế tồn tại trong làng nghề cùng phát triển, làm cho làng nghề được phục hồi và phát triển mạnh. Đồng thời, chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đã kích thích sản xuất trong các làng nghề phát triển vì nó mở rộng thêm nhiều thị trường mới. Ngoài ra, còn có nhiều chính sách khác như chính sách miễn giảm thuế, chính sách hỗ trợ vốn, chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… đã có tác động tích cực tới sự phát triển của các làng nghề trên cơ sở đổi mới đường lối, chính sách kinh tế một loạt các văn bản pháp luật cũng được ra đời và ngày càng hoàn thiện như: Luật doanh nghiệp, luật HTX, luật đất đai … đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của làng nghề. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có
chính sách cần thiết và đồng bộ giành riêng cho sự phát triển làng nghề trong chiến lược phát tiển kinh tế xã hội ở nông thôn mà nó chỉ được tác động thông qua nhiều chính sách khác.