Tiềm năng du lịch và quan điểm của Đảng ta về phát triển du lịch quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động du lịch quốc tế ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 48 - 65)

2.2.1.1. Tiềm năng du lịch của Việt Nam a, Nguồn tài nguyên thiên nhiên

Khu vực Đông Nam Á là một hệ thống gồm các bán đảo, đảo và quần đảo, các biển và vịnh biển nằm xen kẽ nhau, đây là vị trí có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế lẫn quân sự, là đầu mối của hàng chục đường hàng hải, hàng không quốc tế quan trọng. Khu vực Đông Nam Á còn là một trong những chiếc nôi văn hoá của lịch sử loài người, từng đóng vai trò chủ chốt trong một số thành tố của nền văn minh trên thế giới.

Nằm trong khu vực Đông Nam Á, nơi có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có thế giới động thực vật phong phú, đa dạng, Việt Nam còn có nền văn minh lúa nước với bản sắc độc đáo của 54 dân tộc. Nói đến Việt Nam là nói đến một vùng nhiệt đới với những bãi biển đẹp, những cánh rừng nguyên sinh, một vùng đất với nhiều cung đình, lễ hội truyền thống mang đậm phong cách Á đông. Với những tiềm năng đó, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển du lịch nói chung và du lịch quốc tế nói riêng.

* Tài nguyên du lịch tự nhiên

- Tài nguyên du lịch biển và sông nước

Việt Nam là một trong những nước có đường bờ biển dài nhất châu Á. Với trên 3.260 km bờ biển, khoảng 125 bãi tắm trong đó 20 bãi tắm có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế, cảnh quan phong phú, đa dạng, nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng tắm biển, thể thao dưới nước và vui chơi giải trí. Nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đến Nam như: Trà Cổ, Quan Lạn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Mỹ Khê, Non Nước, Nha Trang, Vũng Tàu…

Đặc điểm địa hình vùng ven biển nước ta tạo nhiều vịnh đẹp có tiềm năng phát triển du lịch như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang… trong đó vịnh Vân Phong được coi là điểm du lịch biển lý tưởng của thế kỷ XXI (dự án VIE/89-003), vịnh Nha Trang được xếp vào câu lạc bộ 500 vịnh đẹp nhất thế giới và vịnh Hạ Long với hàng nghìn hòn đảo tạo cảnh quan hết sức kỳ vĩ đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Trong số gần 3.000 hòn đảo rải rác ven bờ, nhiều đảo có hệ sinh thái phong phú, cảnh quan hấp dẫn như Cát Bà, Cô Tô, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… Trong lòng biển là thế giới của các loài động thực vật biển

phong phú nhiều hình, nhiều vẻ, nhiều hang động ngầm và các đảo san hô đẹp nổi tiếng là điều kiện thuận lợi để loại hình du lịch lặn biển phát triển.

Sông, hồ, suối nước nóng, nước khoáng cũng là những tài nguyên du lịch phong phú thường được khai thác phục vụ mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Các hệ thống sông đã tạo điều kiện hình thành các tuyến du lịch trên sông. Các dòng sông, mặt nước còn được sử dụng trong các kỳ lễ hội và tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao như hát quan họ, múa rối nước, bơi, lặn, đua thuyền… Nhiều nguồn nước khoáng có chất lượng cao đã được đóng chai làm nước uống và chữa bệnh như Kim Bôi, Thanh Thuỷ (Phú Thọ), Tân Lân (Đông Hà), Kim Cương, Hướng Hoá (Quảng Trị)…

Tài nguyên nước của vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ có thể coi là phong phú nhất trong cả nước. Mạng lưới kênh rạch chằng chịt nối các nhánh sông hết sức phong phú với tổng chiều dài 4.900 km. Đây là hệ thống thuỷ văn độc đáo và hiếm có trong khu vực và trên thế giới. Nó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có giá trị lớn đối với du lịch, có sức hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Theo các kênh rạch, du khách có thể đến với các cù lao, miệt vườn với các loại hoa trái quanh năm.

Ngoài ra, các thác nước cũng là phong cảnh tự nhiên thu hút khách du lịch như thác Bản Dốc (Cao Bằng), thác Pren (Đà Lạt)… Đây là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị cao.

- Tài nguyên du lịch rừng, núi

Miền núi và trung du ở phía Bắc Việt Nam có những nét riêng không hề gặp lại ở các vùng khác trên đất nước. Vùng núi ở đây bị chia cắt mạnh và có tính phân bậc vì thế đã tạo nên nhiều cảnh đẹp như thác nước, thung lũng, vực thẳm: Sa Pa, Bắc Hà, Sìn Hồ, Tam Đảo, Mẫu Sơn… đặc biệt là Sa Pa - một thị trấn du lịch nổi tiếng ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, mờ ảo trong sương mù, mang vẻ huyền bí thơ mộng đã gây ấn tượng mạnh với du khách quốc tế. Miền Trung, Tây Nguyên có Bạch Mã, Bà Nà, Đan Kia - Suối Vàng, Đà Lạt - Lâm Đồng, Măng Đen… Đồng thời, vùng núi cũng là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều tập quán văn hoá đặc sắc, hấp dẫn.

Hang động là một kiểu đặc sắc của địa hình karst ở vùng núi đá vôi Việt Nam. Quá trình karst nhiệt đới với 50.000 km² địa hình đã tạo nên nhiều hang động kỳ vĩ,

tập trung chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam. Trong số hàng trăm hang động đã được phát hiện có nhiều hang đẹp, rộng có khả năng khai thác phục vụ mục đích du lịch, nghiên cứu như hang Tam Thanh (Lạng Sơn), hang Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Trinh Nữ, Sửng Sốt (vịnh Hạ Long), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), động Hương Tích ở Hà Tây được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”, động Phong Nha được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tiềm năng hang động ở Việt Nam đã thu hút nhiều khách du lịch và đoàn nghiên cứu nước ngoài như Bỉ, Italia, Anh, Nhật Bản…

Rừng Việt Nam chiếm khoảng 30% diện tích đất đai với hệ sinh thái động thực vật đa dạng. Đến nay, cả nước có trên 100 khu rừng đặc dụng, trong đó có khoảng 20 rừng quốc gia, trên 50 khu bảo tồn thiên nhiên và trên 30 khu rừng văn hoá lịch sử với tổng diện tích trên 2 triệu ha. Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá, nơi bảo tồn 14.624 loài thực vật, 15.575 loài động vật với nhiều loài đặc hữu và quý hiếm. Đặc biệt, trong 5 loài thú mới được phát hiện trên thế giới trong mấy năm đầu thế kỷ XXI, 4 loài đã được phát hiện ở nước ta, đó là mang lớn, mang nhỏ, bò rừng xoắn Tây Nguyên và Sao la. Cảnh quan đặc biệt có giá trị thu hút khách du lịch quốc tế còn là những cánh rừng nguyên sinh và hệ sinh thái rừng ngập mặn, những đầm lầy nhiệt đới, đây là một loại tài nguyên du lịch đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long như rừng Cà Mau, Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, sân chim Ngọc Hiển, tràm chim Tam Nông… trong đó có loài đặc hữu gần như đã tuyệt chủng như sếu đầu đỏ.

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, vườn quốc gia Cát Bà đã được UNESCO xếp hạng là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Ba Bể có hồ nước tự nhiên được đánh giá vào loại lớn nhất của thế giới đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

- Tài nguyên du lịch các khu bảo tồn

Tài nguyên du lịch của các khu bảo tồn ở Việt Nam rất phong phú, độc đáo. Cả nước có 105 khu bảo tồn, trong đó có 10 vườn quốc gia, 61 khu bảo tồn tự nhiên, 34 khu rừng văn hoá lịch sử và môi trường. Phần lớn các khu bảo tồn có giá trị phục vụ du lịch cao, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước như vườn quốc gia Cúc Phương, Cát Bà, khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm, rừng văn hoá môi trường Phong Nha, bán đảo Sơn Trà… Đây là những nơi lưu giữ tốt nhất nguồn gien động thực vật, bảo tồn sinh thái và đa dạng sinh học.

Thế giới động vật phong phú, đa dạng với nhiều loài chim, loại thú lớn, một số loài quý hiếm như trĩ sao, hươu sao, gà lôi, nai, hoẵng, cheo, sơn dương... một số loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và đang được thế giới quan tâm.

Tóm lại, tài nguyên thiên nhiên nước ta là một nguồn vốn vô cùng to lớn đối với sự phát triển du lịch, là mơ ước của nhiều quốc gia du lịch. Song, những tài nguyên du lịch đó vẫn còn nằm trong “tiềm ẩn” hay có khai thác nhưng không đáng kể. Do vậy, mọi chiến lược phát triển du lịch ở nước ta trong thời gian tới, trước hết phải đánh giá đúng nguồn tài nguyên thiên nhiên của du lịch, có kế hoạch khai thác, đầu tư, tôn tạo ngay từ khi bắt đầu phát triển ngành.

* Tài nguyên du lịch nhân văn

Tài nguyên du lịch nhân văn do con người tạo ra, đây cũng là nguyên nhân khiến cho loại tài nguyên này có những điểm khác biệt với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên. Việt Nam không chỉ nổi tiếng bởi các danh lam thắng cảnh, bởi các vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, Việt Nam còn có sắc thái văn hoá độc đáo của 54 dân tộc qua các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội và các di sản văn hoá thế giới. Việt Nam còn có 4.000 năm văn hiến với lịch sử dựng nước và giữ nước… Tất cả những điều đó là điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

- Di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật

Việt Nam có khoảng 40.000 di tích, có hơn 2.500 di tích được Nhà nước chính thức xếp hạng. Bắc Bộ là nơi tập trung nhiều di tích văn hoá lịch sử nhất trong cả nước: Văn Miếu Quốc Tử Giám, thành Cổ Loa, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố đô Hoa Lư, nhà thờ Đá Phát Diệm, Đền Hùng, chùa Hương…

Miền Trung hấp dẫn bởi những di tích kiến trúc nghệ thuật trải qua nhiều triều đại: đô thị cổ Hội An, khu thánh địa Mỹ Sơn, đặc biệt là di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Vùng duyên hải miền Trung còn đặc trưng bởi các di tích văn hoá Chăm mang nhiều phong cách khác nhau.

Ngoài sức hấp dẫn của thắng cảnh tự nhiên, của các loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian và những di tích kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo đặc sắc, đa phần các di tích lịch sử gắn với cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài và anh dũng của nhân dân ta. Đó là các địa danh nổi tiếng trong và ngoài nước như Điện Biên Phủ, đường mòn Hồ Chí

Minh, ngã ba Đồng Lộc, nhà ngục Kon Tum, nhà tù Côn Đảo… luôn hấp dẫn và thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến thăm quan, nghiên cứu.

- Lễ hội

Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hoá phản ánh sinh động bản sắc dân tộc, một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ngoài các lễ hội chung mang tính chất cộng đồng như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ Noel cho đồng bào Công giáo, ở mỗi vùng của đất nước còn có nhiều lễ hội truyền thống mang nét đặc thù riêng. Tuỳ vào nội dung hoạt động có thể phân ra các loại hình lễ hội lịch sử, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian. Các lễ hội lịch sử như hội đền Hùng, hội đền Gióng, hội đền Hai Bà Trưng, hội Đống Đa… Các lễ hội ở vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ là đặc trưng của các dân tộc Chăm, Khơ me, Tây Nguyên. Dân tộc Chăm có 2 lễ hội quan trọng chính là lễ hội Katê (Ninh Thuận, Bình Thuận), lễ hội Ponagar (Nha Trang). Nhiều lễ hội độc đáo có sức hấp dẫn cao như lễ hội đâm trâu, lễ ăn cốm mới, lễ mừng nhà mồ, lễ bỏ mả, hội đua voi… Các lễ hội của người dân Khơ me Nam Bộ như lễ cầu an, cầu siêu, dâng áo cà sa, lễ kết giới…

* Các tài nguyên khác

Nói đến tài nguyên du lịch không thể không nói đến văn hoá ẩm thực. Những món ăn dân gian nổi tiếng trong và ngoài nước như chả cá Lã Vọng, bào ngư Quảng Ninh, bánh cuốn Thanh Trì… Sự phong phú về lâm, hải sản của vùng du lịch Bắc Trung bộ đã tạo nên nhiều món ăn đặc sản truyền thống được ưa chuộng. Ngoài các món ăn cầu kỳ kiểu cung đình hiện đang được khai thác để phục vụ du khách đến Huế, còn nhiều món ăn khác như yến sào Cù Lao Chàm, mứt gừng Đức Phổ, đậu xanh Sơn Tịnh, mạch nha Thi Phổ, bánh nổ Nghĩa Hành, mỳ Quảng, cao lâu Hội An, xôi đường bảy lửa, bánh tráng thịt heo… tất cả đã hội tụ tạo nên nét riêng văn hoá đặc thù không dễ quên của vùng “Tứ Quảng” với du khách. Du khách có thể đến Tây Nguyên để thưởng thức rượu cần với thịt thú rừng, đến vùng duyên hải miền Trung để thưởng thức các món ăn từ hải sản, đến Nam bộ để thưởng thức các món chua từ thuỷ sản đánh bắt từ hệ thống kênh rạch chằng chịt nơi đây. Việt Nam còn nổi tiếng với các loại hoa quả từ các miệt vườn quanh năm xanh tốt của đất Nam bộ. Nhiều loại quả đã trở thành biểu tượng của miền Nam như dừa, xoài, măng cụt, mãng cầu, vú sữa…

Nghề thủ công truyền thống của Việt Nam có lịch sử phát triển từ lâu đời. Trải qua

phát triển tới ngày nay với những sản phẩm đặc sắc mang tính nghệ thuật cao như đúc đồng, khảm trai, chạm bạc, sơn mài, dệt lụa tơ tằm, gốm sứ Bát Tràng, chiếu cói Nga Sơn, nghề mộc Tiên Sơn… Vùng Tây Bắc nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm… Đến Huế, du khách không thể quên nón bài thơ, hàng đúc, chạm trổ, điêu khắc tinh vi… Các sản phẩm điêu khắc đá ở Ngũ Hành Sơn, nghề chạm khắc gỗ ở Hội An cũng thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch. Ven biển miền Trung có nghề đóng thuyền gỗ khá phổ biến ở Phú Yên. Bến Tre có nghề làm chỉ xơ dừa rất độc đáo. Những nghề thủ công truyền thống này cần được tổ chức quản lý và đầu tư phát triển để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh di sản văn hoá vật thể, nước ta còn có nhiều di sản văn hoá phi vật thể độc đáo. Đối với phát triển du lịch, các loại hình văn hoá nghệ thuật dân tộc đặc sắc cũng đang được chú ý phát triển như quan họ, các làn điệu dân ca, tuồng, chèo… có những loại hình đặc sắc như hát ả đào (từ thời Lý), hát chầu văn, hát chòi, hát vè... Ngoài ra, đặc biệt là dàn nhạc cụ dân tộc với đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, nhị, sáo, trúc, trống… thường có sức hấp dẫn lớn với du khách, nhất là du khách quốc tế. Ngoài ra còn có các điệu múa dân gian, múa rối nước, múa rồng, múa lân, múa cung kiếm, múa khèn, múa xoè, hát múa cung đình Huế... Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hoá truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.

Nhiều phong tục tập quán, lối sống, lễ hội dân gian đặc sắc của 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hoà quện, đan xen trên nền kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông là những thế mạnh cho phát triển du lịch. Tất cả đã gắn bó với nhau tạo nên sắc thái văn hoá Việt Nam.

Nói chung, tài nguyên du lịch của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, có sức hấp dẫn cao, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

b, Nguồn lao động * Số lượng lao động

Ngoài tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, nguồn lao động dồi dào cũng là một tiềm năng để phát triển du lịch. Nước ta có một lực lượng lao động đông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động du lịch quốc tế ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 48 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)