Qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII và các Nghị quyết Trung ương, nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đã đề cập các mục tiêu trong chiến
lược phát triển du lịch Việt Nam, bao gồm một hệ thống mục tiêu khá toàn diện. Hệ thống đó vừa phản ánh được đặc trưng du lịch của nhiều nước trên thế giới đã được công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vừa phản ánh được đặc trưng du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hệ thống mục tiêu đó là:
* Mục tiêu kinh tế (mục tiêu quan trọng hàng đầu)
Bằng cách tạo ra môi trường kinh tế thuận lợi cho sự phát triển du lịch, ngành sẽ tạo ra sự tối ưu về đóng góp vào thu nhập quốc dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc làm và cải thiện cán cân thanh toán.
Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã đề ra mục tiêu tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ, chiếm khoảng 45% GDP (nông nghiệp chiếm 20%, công nghiệp chiếm 35-45%). Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng dự kiến những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của đất nước. Muốn duy trì và tăng tỷ trọng ngành dịch vụ trong nền kinh tế, cần thiết phải duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch, vì vậy phải tạo môi trường kinh tế thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Đây là mục tiêu rất cơ bản vì nó tác động trực tiếp, thường xuyên thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ.
* Mục tiêu văn hoá xã hội
Mục tiêu này xuất phát từ yêu cầu của sự phát triển du lịch. Mỗi khi du khách đến một điểm du lịch, ngoài nhu cầu thưởng ngoạn phong cảnh tự nhiên, còn có nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật truyền thống. Do vậy, ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, hoạt động du lịch càng phát triển, hiện đại thì càng cần thiết phải làm giàu thêm bản sắc dân tộc, làm đẹp thêm cảnh quan môi trường, ngăn chặn các tiêu cực, tệ nạn xâm nhập vào đời sống xã hội.
Hệ thống mục tiêu trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy việc đề ra các chiến lược và giải pháp nhằm phát triển du lịch là một yêu cầu hết sức cần thiết.
* Mục tiêu môi trường
Môi trường là một thành tố tạo nên cảnh quan du lịch. Có môi trường cảnh quan thuận lợi tất yếu sẽ tạo nên một cảnh quan du lịch hấp dẫn. Trong thời đại hiện nay, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ, môi trường đã trở thành một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của du lịch. Đây cũng là
một vấn đề có ý nghĩa toàn cầu. Do vậy, quy hoạch phát triển du lịch cần thiết phải gắn liền với cảnh quan thiên nhiên nhằm khai thác, tôn tạo, bảo vệ các di sản thiên nhiên, cảnh quan môi trường.
* Mục tiêu an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội
Du lịch Việt Nam phát triển sẽ thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế vào nước ta. Song, phải đảm bảo an ninh quốc gia và đảm bảo an toàn xã hội, vì an ninh quốc gia là tiền đề cho sự phát triển ở bất kỳ một quốc gia hay một khu vực nào. Du lịch và an ninh quốc gia, an toàn xã hội gắn bó mật thiết với nhau. Du lịch phát triển, kinh tế hưng thịnh tạo cơ sở vật chất cho nền an ninh quốc gia vững chắc hơn.
* Mục tiêu hỗ trợ phát triển
Mục tiêu hỗ trợ phát triển được hiểu rằng: phát triển du lịch cần thiết phải có sự hỗ trợ của các ngành cung cấp thông tin, những định hướng chiến lược cơ bản phát triển kinh tế - xã hội… nhằm giúp cho việc lập kế hoạch du lịch, xúc tiến phát triển, phối kết hợp nghiên cứu, thống kê… giúp cho sự phát triển của ngành từ Trung ương đến địa phương. Mặt khác, du lịch phát triển sẽ hỗ trợ cho các ngành khác: thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo thị trường tiêu thụ, mở rộng giao lưu, chuyển giao công nghệ…