Chương 1 : CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.4. Bài học rút ra từ tổng quan tài liệu
Có thể nói xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và có tác động rõ rệt đến khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu, chúng ta có thể nhận thấy rằng để quá trình xây dựng nông thôn mới thành công, trong giai đoạn tới, cần phải khắc phục ngay sự không thực tế, thiếu tính lý luận và xu thế phong trào hóa trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới cho sát hợp với thực tế. Cần có cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình hỗ trợ có mục tiêu các dự án trên địa bàn nông thôn theo hướng tăng cường phân cấp tối đa cho hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Về lâu dài đề nghị Quốc hội xem xét giảm bớt số lượng các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung, trọng điểm. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, cải thiện môi trường sống, nâng cao sức khỏe con người, phát triển sự nghiệp công ích, bảo đảm trật tự trị an, phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước ở nông thôn đúng như mục tiêu của Đảng là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ thực tiễn XD NTM tại một số địa phương trên thế gới và trong nước, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực cho huyện Mai Sơn, tỉnh La trong quá trình xây dựng nông thôn mới như sau: (1) Đảm bảo tính thống nhất tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của cấp trên để vận dụng, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế cơ sở; xây dựng kế hoạch theo từng nội dung công việc cụ thể, phân công rõ người, rõ việc để hướng
dẫn triển khai cụ thể gắn với thực hiện chế độ báo cáo theo quy định; (2) Làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm để từ đó người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư, phát huy tinh thần chủ động tính tự lực, tự cường để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; (3) Xây dựng nông thôn thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương’ (4) Lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước kết hợp với sự tham gia đóng góp của người dân để thực hiện các công trình trọng tâm và thiết thực, từ đó khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân; (5) Tăng cường, công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của cơ sở; phát hiện và chấn chỉnh các thiếu sót, hạn chế, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để ảnh hưởng, làm chậm đến tiến độ thực hiện. Quan tâm động viên kịp thời cơ sở và nhân dân để chia sẻ khó khăn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó điều chỉnh kế hoạch, phương pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp.