Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện đồng hỷ, tỉnh thái nguyên giai đoạn 2017 2019​ (Trang 47 - 50)

Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Đồng Hỷ, tỉnh

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Đồng Hỷ là huyện nằm tiếp giáp với thành phố Thái Nguyên, Trung tâm kinh tế, đô thị, công nghiệp và dịch vụ của cả vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nên Huyện có điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, cùng với TP Thái nguyên để phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh; Nâng cao chất lượng lao động

Là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, diện tích tự nhiên của huyện 42.916,27 ha, có vị trí cụ thể như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Võ Nhai và tỉnh Bắc Kạn;

- Phía Nam giáp huyện Phú Bình và thành phố Thái Nguyên; - Phía Đông giáp tỉnh Bắc Giang;

- Phía Tây giáp sông Cầu và huyện Phú Lương.

Vị trí địa lý tạo cho Đồng Hỷ có những tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội: Thuận lợi trong giao lưu, vận chuyển và trao đổi hàng hoá để đẩy nhanh tốc độ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng.

Với vị trí địa lý như vậy, Đồng Hỷ có đủ điều kiện để phát huy tiềm năng đất đai cũng như các nguồn lực khác, tạo điều kiện để phát triển kinh tế -xã hội, hoà nhập với nền kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

3.1.1.2. Khí hậu, thuỷ văn * Khí hậu

Nằm ở chí tuyến Bắc trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, khí hậu của huyện Đồng Hỷ vừa mang tính nhiệt đới gió mùa có tính lục địa, chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa nóng (mùa mưa) từ tháng 4 - 10; mùa lạnh (mùa khô) từ tháng 11 - 3 năm sau.

Nhìn chung, thời tiết khí hậu của huyện tương đối khắc nghiệt, lượng mưa lớn gây xói lở, úng lụt, lũ quét cục bộ; mùa khô gây hạn hán, thiếu nước trầm trọng, đặc biệt ở những vùng có địa hình cao, sản xuất và đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng. Với chế độ nhiệt cao, độ ẩm lớn tạo điều kiện thuận lợi trong việc đa dạng hóa hệ thống cây trồng, cũng như việc bố trí thâm canh, tăng vụ.

* Thủy văn

Đồng Hỷ có hệ thống sông suối, ao hồ phong phú. Phần lớn sông suối ở huyện đều bắt nguồn từ khu vực núi cao phía Bắc và Đông Bắc sông Cầu, mật độ sông suối bình quân 0,2 km/km2.

Nhìn chung, hệ thống sông, suối của huyện phần lớn có độ dốc lớn, lưu lượng nước thiếu ổn định, khả năng giữ nước hạn chế. Đây là nguyên nhân hạn chế đến việc đầu tư khai thác nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất. Trong tương lai, cần đầu tư xây dựng các hệ thống phai, đập, hồ chứa nước đa mục tiêu nhằm dự trữ nước chống hạn hán mùa khô.

3.1.1.3. Các nguồn tài nguyên * Tài nguyên đất

Thổ nhưỡng của Đồng Hỷ khá đa dạng, đất có độ dốc nhỏ hơn 8o khoảng 7.000 ha thích hợp cho trồng cây hàng năm; diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày khoảng 4.500 ha; còn lại chủ yếu cho phát triển lâm nghiệp.

* Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: Được cung cấp bởi mạng lưới sông, suối, trong chủ yếu là sông Cầu, suối Linh Nham, suối Thác Lạc, suối Ngàn Me... Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hàng trăm sông, suối, ao hồ, đập chứa, kênh... Tuy nhiên, phần lớn mặt nước các sông, suối đều thấp hơn mặt bằng đất canh tác nên hạn chế đáng kể tới khả năng khai thác sử dụng diện tích đất này vào sản xuất.

Nguồn nước ngầm: Qua điều tra sơ bộ cho thấy đã có nhiều khu vực được nhân dân khai thác và sử dụng tương đối hiệu quả phục vụ sinh hoạt.

* Tài nguyên rừng và thảm thực vật

Năm 2019, toàn huyện có 22.890,91 ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng. Độ che phủ của rừng là 47,36% song phân bố không đồng đều giữa các khu vực trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã vùng núi cao (Hợp Tiến có độ che phủ đạt 77,68%; Văn Lăng: 64,95%; Cây Thị: 57,02%; và Tân Long: 56,08%...). Một số địa phương có mật độ che phủ khá thấp như xã Hóa Thượng 0,44%,...

Nhìn chung, địa bàn huyện Đồng Hỷ thảm thực vật khá phong phú và đa dạng về chủng loại, có điều kiện để xây dựng hệ thống rừng phòng hộ và rừng kinh tế hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Do trước đây, rừng bị chặt phá, khai thác tùy tiện nên rừng Đồng Hỷ phần lớn là rừng nghèo, trữ lượng lâm sản thấp.

* Tài nguyên nhân văn

Nhân dân Đồng Hỷ có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Xưa kia, nhân dân địa phương đã biết đào mương, đắp phai, đập, làm con nước để đảm bảo việc tưới tiêu nước cho đồng ruộng, biết chế tạo các loại cày, cuốc, liềm, hái, các loại súng, nỏ… Trình độ thẩm mỹ thể hiện rõ nét trong nghệ thuật kiến trúc các đền, chùa như: Chùa Hang, đền Gốc Sấu, đền Long Giàn, đền Hích...

3.1.1.4. Tài nguyên khoáng sản

Đồng Hỷ nằm trong vùng sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương. Qua điều tra, tìm kiếm và thăm dò địa chất đã phát hiện được nhiều mỏ và các điểm mỏ trên địa bàn.

Quặng sắt là khoáng sản có trữ lượng lớn nhất, bao gồm: Cụm mỏ sát Trại Cau có trữ lượng 20 triệu tấn, hàm lượng Fe 58,8 đến 61,8% được xếp vào chất lượng loại tốt. Cụm mỏ sắt Linh Sơn - Tiến Sơn - Tiến Bộ nằm trên trục đường tỉnh lộ 260 gồm nhiều mỏ có quy mô trung bình từ 1-3 triệu tấn. Tổng trữ lượng quặng phong hóa đạt trên 30 triệu tấn.

Quặng vàng sa khoáng phân bố rải rác ở các vùng phía Đông và phía Bắc của Huyện. Trữ lượng nhỏ, nằm rải rác và hiện đang được khai thác bằng công nghệ thủ công.

Quặng Phốtphorít tập trung ở làng Mới trữ lượng khoảng 20 - 30 vạn tấn. Khoáng sản vật liệu xây dựng, đất sét, đá vụn, cát sỏi... trong đó sét xi măng có trữ lượng lớn ở Khe Mo, hàm lượng các chất như SiO2 khoảng 51,9- 65,9%; Al2O3 khoảng 7-8%... Ngoài ra, trên địa bàn còn có khá nhiều mỏ sét, cát sỏi dùng cho sản xuất vật liệu xây dựng... Đáng chú ý là đá Carbuat bao gồm đá vôi xây dựng, đá ốp lát, đá vôi xi măng, Dolomit có trữ lượng 220 triệu tấn.

Nhìn chung, tài nguyên khoáng sản ở Đồng Hỷ khá phong phú và có trữ lượng lớn tạo cho Huyện trong phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng....

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá công tác chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện đồng hỷ, tỉnh thái nguyên giai đoạn 2017 2019​ (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)