Vai trò của KTHĐ đối với quản lý nợ công

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện kiểm toán hoạt động đối với quản lý nợ công ở việt nam (Trang 29 - 32)

Trên thế giới, các cơ quan kiểm toán tối cao của mỗi quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát, nâng cao chất lượng công tác quản lý nợ

công,đồng thời ngăn chặn nợ công tiếp cận ngưỡng không bền vững đối với nền tài chính của quốc gia. Các cuộc kiểm toán tài chính đối với quản lý nợ công thường xuyên là một trong những yếu tố cần thiết để đảm bảo trách nhiệm giải trình cho công tác quản lý nợ công của các đơn vị chủ trì về quản lý nợ công. Tuyên bố Lima tại Đại hội lần thứ IX của INTOSAI tổ chức tại Pê-ru năm 1977

về Hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán đã nêu: “Nhiệm vụ truyền thống của Cơ

quan kiểm toán tối cao là kiểm toán tính hợp pháp và hợp thức của công tác quản lý tài chính và hoạt động kế toán. Bên cạnh loại hình kiểm toán này, vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, còn một loại hình kiểm toán có tầm quan trọng tương đương là KTHĐ - tập trung vào kiểm tra hành vi, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của việc vận hành và quản lý nền hành chính công. KTHĐ bao trùm không chỉ các nghiệp vụ tài chính cụ thể mà còn đánh giá toàn diện hoạt động Chính phủ, gồm cả hệ thống tổ chức và quản trị. Mục tiêu kiểm toán của Cơ quan kiểm toán tối cao - tính hợp pháp, hợp thức, kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của quản lý tài chính - về cơ bản có tầm quan trọng như nhau. Tuy nhiên, tuỳ Cơ quan kiểm toán tối cao xác định ưu tiên của mình trên cơ sở từng vụ việc”. [20, tr3]

Hiện nay, rất nhiều cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước có nền kinh tế phát triển có số cuộc KTHĐ trên các cuộc kiểm toán nói chung chiếm tỷ lệ rất cao, mang lại giá trị và lợi ích ngày càng lớn cho xã hội, người dân và nền kinh tế. Trong một nghiên cứu của TS. Roxana Moldovan Romain (Trường ĐH Babes-Bolyai, Ru-ma-ni) được công bố năm 2014 về vai trò của KTHĐ đối với việc tăng cường chất lượng quản trị công, kết quả khảo sát tại 28 cơ quan kiểm toán tối cao các nước trong khối liên minh Châu Âu (EU) đã cho thấy: tại KTNN Đan Mạch, số lượng các cuộc KTHĐ hiện chiếm tới 71% tổng số các cuộc kiểm toán hàng năm của cơ quan KTNN Đan Mạch; trong khi đó, tại nước CH Lithuana, tỷ lệ các cuộc KTHĐ trên tổng số các cuộc kiểm toán hàng năm của cơ quan KTNN Lithuana cũng tương đối cao, chiếm 37%.

Như vậy, có thể thấy rằng KTHĐ tuy ra đời muộn nhưng đã phát triển nhanh chóng và ngày càng khẳng định vị trí tiên phong của mình trong hoạt

động giám sát, kiểm toán nền tài chính công. Không nằm ngoài xu thế phát triển chung về kiểm toán trên thế giới, KTNN Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng những giải pháp phát triển KTHĐ để phát huy vai trò quan trọng của KTNN trong đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả việc sử dụng tài chính, tài sản công. Đây là một trong những nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 “tiến tới đẩy mạnh KTHĐ để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng và chương trình mục tiêu quốc gia” [6, tr6]. Nội dung này cũng được xác định là một trong 8 mục đích chiến lược của Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013- 2017 “tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản công” [7, tr28].

Như đã trình bày ở trên, KTNN tổ chức kiểm toán công tác quản lý nợ công nhằm mục đích đánh giá một cách có hệ thống thực trạng nợ công ở Việt Nam, bao gồm đánh giá và xác nhận các số liệu liên quan đến nợ công, hiệu quả nhìn từ góc độ kinh tế và góc độ xã hội của việc sử dụng các khoản vốn vay từ nợ công, hiệu quả và hiệu lực của bộ máy và cơ chế quản lý nợ công hiện nay ở Việt Nam, để từ đó cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan những thông tin sát thực nhất về tình hình quản lý nợ công ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những khuyến cáo, kiến nghị phù hợp để kịp thời chấn chỉnh những mặt tồn tại và dần hoàn thiện công tác quản lý nợ công một cách toàn diện và xuyên suốt. KTHĐ đối với công tác quản lý nợ công có thể góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính kinh tế của công tác quản lý nợ, đồng thời tăng cường sự minh bạch về tương quan những rủi ro và lợi ích của nợ công.

Với mục đích chủ đạo như vậy, việc KTNN áp dụng loại hình KTHĐ để kiểm toán nợ công cũng nhằm mục đích tiếp cận vấn đề một cách sâu hơn, bài bản hơn, có tác động lớn hơn và gia tăng giá trị cao hơn cho kết quả kiểm toán. Nói một cách cụ thể hơn, việc áp dụng KTHĐ công tác quản lý nợ công sẽ giúp cho KTNN có thể đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý nợ công trên cả 3 khía cạnh: tính kinh tế, tính hiệu lực, và tính hiệu quả của công tác quản lý nợ

công hiện nay. Đồng thời, bản thân loại hình KTHĐ cũng giúp cho KTNN có thể trực tiếp đi sâu vào việc xác định những nguyên nhân, yếu tố chủ quản và khách quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nợ công hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện kiểm toán hoạt động đối với quản lý nợ công ở việt nam (Trang 29 - 32)