Tài nguyên du lịch nhân văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế du lịch tỉnh lào cai (Trang 62 - 65)

CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH Ở TỈNH LÀO CA

2.1.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

Với những nét riêng về văn hóa - xã hội đã tạo cho Lào Cai có một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo. Các tài nguyên này bao gồm những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, những sản phẩm thủ công, những giá trị văn hóa phi vật thể như văn nghệ dân gian, lễ hội, ẩm thực…thể hiện bản sắc văn hóa của Lào Cai, là lực thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu.

Di tích văn hóa – lịch sử

* Di tích lịch sử

- Đền Bảo Hà: Thờ ông Hoàng Bẩy, một anh hùng miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ bản làng. Đền được xây dựng vào thế kỷ 17, được triều đình nhà Lê phong tặng “Trấn an hiển liệt”.

- Đền Mẫu: Xây dựng từ đầu thế kỷ 18 thuộc địa phận làng Lão Nhai (nay là thành phố Lào Cai). Đây là công trình thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sống ở vùng biên cương của Tổ quốc.

- Đền Thượng: Cách đền Mẫu khoảng 300m, là một ngôi đền cổ với khuôn viên rộng hàng chục hecta. Đền thờ Trần Hưng Đạo, biểu tượng văn hóa là nơi thờ cha. Đền được xây từ đầu thế kỷ 19. Khách trong và ngoài nước rất thích đến vãn cảnh chùa mỗi khi đi du lịch Lào Cai.

- Bên cạnh đó, Lào Cai còn có những di tích lịch sử mang tính cách mạng như di tích đồn Phố Ràng, pháo đài cổ, được người Pháp khởi công xây dựng, sau đó người Nhật mở rộng với hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng núi, nhiều hang ngách chằng chịt chứa những điều bí ẩn chưa được khám phá.

Lào Cai là tỉnh có khá nhiều di tích khảo cổ quan trọng, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện được trên 17 di tích văn hóa Đông Sơn. Các di tích này tập trung ở lưu vực sông Hồng tại các huyện Bát Xát, Cam Đường, Mường Khương, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai. Những di tích phát hiện phần lớn đều là mộ táng, trong đó di vật Đồng Thau rất phong phú, mang đặc trưng của Đông Sơn miền núi, bao gồm công cụ sản xuất (lưỡi cày, lưới cuốc, rìu, thuổng…), đồ dùng sinh hoạt (bình âu, bát đĩa…), vũ khí (giáo, dao găm, chông…) và nhiều loại nhạc khí như chuông voi và đặc biệt là trống đồng các loại, một hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn.

Bãi đá cổ Sa Pa – di sản của người Việt cổ, là một khu di tích khảo cổ quan trọng có giá trị văn hóa lịch sử lớn. Di tích bãi đá cổ rộng khoảng 8km2, bao gồm những tảng đá với nhiều lớp chạm khắc cổ nằm trong thung lũng Mường Hoa, rải rác xen giữa những thửa ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây. Các lớp chạm khắc trên đá bao gồm nhiều loại hình khác nhau như tranh vẽ tả thực, hoa văn trang trí, trong đó đáng chú ý nhất là các hình vẽ người, nhà sàn và các dấu hiệu có thể là một hình thức phôi thai của chữ viết đến nay vẫn chưa giải mã được. Hiện nay, khu di tích này thu được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và đang đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Lễ hội truyền thống

Trong các tài nguyên du lịch nhân văn, lễ hội truyền thống là tài nguyên có giá trị phục vụ du lịch rất lớn. Ngoài những lễ hội có tính chất chung của cả nước, của vùng núi Tây Bắc, Lào Cai còn có những lễ hội riêng, đặc sắc. Thông qua các lễ hội này, du khách có thể hiểu được về văn hóa và con người Lào Cai.

- Hội chơi núi mùa xuân: Đây là lễ hội của dân tộc H’Mông còn được gọi là Gầu Tào hoặc Sán Sải (có nghĩa là đi chơi ngoài trời hoặc chơi núi). Lễ hội thường diễn ra sau tết nguyên đán, từ mùng 3 đến mùng 5 tháng giêng tại những khu đồi thoải gần các bản làng. Lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian: Cầu con, cầu mệnh, cầu may, cầu phúc. Trong lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi, trò thi đấu như thi bắn nỏ, đua ngựa, múa khèn…

- Lễ Tết Nhảy của người Dao Đỏ: Được tổ chức vào dịp tết nguyên đán, thường diễn ra tại các nhà trưởng họ. Nét đặc thù của lễ hội là tắm tượng tổ tiên bằng gỗ. Trong lễ hội còn có những điệu múa thể hiện tín ngưỡng mang màu sắc văn hóa, nghệ thuật qua đó thấy được nét sinh hoạt cộng đồng của người Dao Đỏ.

- Hội Lồng Tồng của người Tày (huyện Văn Bàn, huyện Bắc Hà): Là nét sinh hoạt đặc sắc nhất của người Tày, được tổ chức vào mùng 5 tết hoặc 15 tết tại khu ruộng gần bản, trung tâm lễ hội là cây còn. Lễ hội phản ánh ước nguyện được mùa, con người khỏe mạnh, sinh nhiều con cháu. Trong lễ hội có nhiều cuộc vui như thi ném còn, kéo co, chọi gà bằng hoa chuối, chọi châu bằng măng vầu, hát giao duyên…

- Hội xuống đồng (dân tộc Giáy, Phù Lá), còn được gọi là hội Cầu múa, tổ chức vào mùng 3 tết. Hội xuống đồng rất độc đáo, nó mang những nét riêng biệt, không bị ảnh hưởng pha tạp của dân tộc nào.

- Lễ lập tịch của người Dao (Khe Mạ - Bảo Thắng): Lễ thường được tổ chức vào dịp nông nhàn (trước hoặc sau tết nguyên đán). Đây là nghi lễ của gia đình khi có con trai 14-15 tuổi, mời thầy đến làm lễ chính thức nhập vào dòng họ. Sau phần nghi lễ quan trọng có múa hát rất tưng bừng, múa trống đất, múa sạp…

- Lễ hội đền làng Lão Nhai (tên gọi cũ của Lào Cai): Lễ hội tổ chức trong 3 ngày 11, 12 đến 13 tháng giêng âm lịch tại đền thờ Thánh Mẫu và khu vực bãi sông. Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội khác nữa như: Lễ hội cúng rừng của người Nùng ở Mường Khương, lễ hội gặt tu tu của người Hà Nhì Đen ở Bát Xát, hội Cốm của người Tày, lễ cơm mới và hội hoa chuối của người Xa phó ở Văn Bàn…tạo nên nét phong phú trong tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai và là yếu tố hấp dẫn du khách tìm hiểu, nghiên cứu.

Các tài nguyên du lịch nhân văn khác

- Lào Cai là địa phương có sản phẩm thủ công truyền thống khá nổi tiếng ở Việt Nam. Thêu, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc như Dao, H’Mông, Thái, Hà Nhì…Du khách sẽ được chứng kiến những động tác thao diễn tinh sảo với những hoa văn độc đáo, thông qua đó có thể tạo ra một

phương thức du lịch khác như nghiên cứu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, ký hợp đồng kinh doanh trong nước và quốc tế, xuất khẩu tại chỗ…

- Những phiên chợ vùng cao là những nét sinh hoạt có giá trị nhân văn, phục vụ tốt cho hoạt động du lịch ở Lào Cai, đó là phiên “Chợ văn hóa giao duyên” ở Sa Pa, phiên chợ Bắc Hà…

- Lào Cai không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa dân tộc đặc sắc mà Lào Cai còn nổi tiếng với nhiều món ăn mang đậm hương vị của núi rừng mà du khách đặc biệt ưa thích như cuốn sủi, khổ nhục, thắng cố, ngẩu pín…

* Đánh giá chung:

Với những nét khái quát và phân tích trên, có thể thấy rằng Lào Cai là một tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, đặc sắc có khả năng khai thác để phát triển với những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Hơn nữa, các tài nguyên phân bố một cách khá tập trung, lại kết hợp được cả tiềm năng du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn đây là một đặc điểm thuận lợi cho việc khai thác phát triển du lịch của Lào Cai.

Về tự nhiên, Lào Cai có tiềm năng phong phú có thể phát triển nhiều loại hình du lịch với sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm (leo núi, thám hiểm hang động).

Về nhân văn, Lào Cai là nơi hấp dẫn du khách đến với văn hóa dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc với sản phẩm du lịch chính là du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch cộng đồng và du lịch mua sắm hàng hóa.

Tuy nhiên, do đặc điểm về tự nhiên, do tác động của hoạt động kinh tế xã hội trong những năm gần đây đã gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tiềm năng cho hoạt động du lịch, do vậy tỉnh cần có kế hoạch bảo vệ và tôn tạo tài nguyên, kể cả tự nhiên và nhân văn nhằm đảm bảo phát triển trên quan điểm bền vững.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế du lịch tỉnh lào cai (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)