Đặc điểm cơ bản của kinh tế du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế du lịch tỉnh lào cai (Trang 25 - 27)

Từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của các cá nhân, tổ chức, các nước trong lĩnh vực du lịch, các đối tượng tiêu dùng sản phẩm du lịch, dịch vụ. Kinh tế du lịch có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, nói đến KTDL tức là đề cập đến các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, trong đó loại hình dịch vụ là chủ yếu.

Trên cơ sở tài nguyên du lịch, chủ thể KDDL (cá nhân hoặc là tổ chức) sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của khách du lịch, sản phẩm đó có thể là vật chất hoặc phi vật chất. Sự vận hành của KTDL lấy tiền tệ làm môi giới, thông qua hoạt động trao đổi sản phẩm du lịch giữa người đi du lịch với người KDDL, lấy vận động mâu thuẫn giữa hai mặt cung cấp sản phẩm du lịch và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm du lịch làm đặc trưng chủ yếu.

Thứ hai, trong điều kiện thị trường, việc thực hiện thông suốt hoạt động KTDL được quyết định bởi sự điều hòa nhịp nhàng giữa hai phía cung và cầu du lịch.

Việc cung cấp sản phẩm du lịch không thể tách rời nhân tố kinh tế - kỹ thuật và kinh tế - xã hội. Vì thế sự vận hành KTDL tất nhiên chịu ảnh hưởng và chế ước của những điều kiện kinh tế - xã hội. Hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu tiêu thụ của khách. Chất lượng của một sản phẩm du lịch được xác định dựa vào sự chênh lệch giữa mức độ kỳ vọng và mức độ cảm nhận về chất lượng của khách du lịch, chất lượng của sản phẩm du lịch được đánh giá đều mang tính chủ quan, phụ thuộc vào nhu cầu thị hiếu, mức độ thỏa mãn của du khách đến đâu. Bởi vì, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm du lịch là nhu cầu mang tính đặc thù tức là những nhu cầu của du khách mà nơi họ sinh sống không thể có được chứ không phải là những thứ cao cấp hoặc quý hiếm. Trên thị trường du lịch, ngoài những đặc điểm như thị trường hàng hóa nói chung, hàng hóa du lịch còn có những đặc điểm khác các hàng hóa thông thường là: Hàng hóa trao đổi giữa hai bên

cung và cầu không phải chỉ là vật cụ thể; đối với khách du lịch cái được là sự cảm giác, thể nghiệm hoặc hưởng thụ. Sự trao đổi sản phẩm du lịch và tiền tệ do hai bên cung, cầu du lịch tiến hành không làm thay đổi quyền sở hữu sản phẩm du lịch, trong quá trình chuyển đổi cũng không xảy ra sự chuyển dịch sản phẩm, chỉ là du khách có quyền chiếm hữu tạm thời sản phẩm du lịch tại nơi du khách đến để thực hiện “cầu du lịch” của mình. Cùng một sản phẩm du lịch vẫn bán được nhiều lần cho nhiều du khách khác nhau sử dụng, sản phẩm du lịch chỉ tạm thời chuyển dịch quyền sử dụng, còn quyền sở hữu trước sau vẫn nằm trong tay người kinh doanh. Tất cả những tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn chỉ trở thành sản phẩm du lịch khi nó phải được con người đầu tư, tôn tạo và sử dụng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Đây chính là đặc điểm cơ bản của KTDL.

Thứ ba, quá trình phát triển KTDL gắn liền với quá trình vận động phát triển của LLSX và khả năng liên kết rộng rãi của các quốc gia dân tộc.

Khi LLSX càng phát triển, trình độ nhận thức của con người luôn luôn được nâng cao, khoa học – công nghệ được nhanh chóng áp dụng vào quá trình sản xuất, của cải do con người tạo ra ngày càng nhiều, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của toàn xã hội thì KTDL càng có môi trường hoạt động rộng rãi, khả năng liên kết cao không chỉ đối với các ngành kinh tế khác trong tổng thể nền kinh tế của một quốc gia và còn liên kết rộng rãi với các ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực khác của các nước trên thế giới nữa. Là ngành kinh tế tương đối tổng hợp bởi hoạt động kinh doanh biểu hiện nhiều mặt trong lĩnh vực của đời sống con người như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho nên khi được tổ chức khoa học, điều hòa nhịp nhàng, các khâu, các bước luân chuyển hợp lý, cơ chế quản lý đồng bộ, đa dạng về hình thức sở hữu, quan hệ sản xuất phù hợp mở đường cho LLSX phát triển sẽ tạo ra hiệu quả hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng cao hơn.

Thứ tư, hoạt động kinh doanh của kinh tế du lịch mang tính thời vụ là chủ yếu.

Xuất phát từ đặc thù của KTDL mà thể hiện rõ nét tính thời vụ trong quá trình hoạt động kinh doanh. Tính thời vụ trong du lịch tồn tại bởi tác động của tập hợp nhiều nhân tố đa dạng (về bản chất và hướng ảnh hưởng). Đó là các nhân tố tự nhiên, nhân tố kinh tế - xã hội, nhân tố tổ chức, kỹ thuật, nhân tố tâm lý…Một số các nhân tố tác động chủ yếu đến cung du lịch, một số khác tác động chủ yếu lên cầu du lịch, có nhân tố lại tác động lên cả cung và cầu du lịch và thông qua đó gây lên tính thời vụ trong hoạt động KDDL. Tính thời vụ đó đã gây ra những tác động nhất định đến hoạt động KDDL. Vì vậy, nghiên cứu tính thời vụ của du lịch luôn là một trong những vấn đề trọng tâm của các nhà khoa học và các nhà kinh doanh thuộc lĩnh vực này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển kinh tế du lịch tỉnh lào cai (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)