3.2. Các giải pháp đề xuất nhằm tăng cường vai trò của chính quyền tỉnh
3.2.1. Hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thu hút FDI
Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, đánh giá tình hình thực tế công tác quy hoạch, xác định các lợi thế và hạn chế của địa phương; từ đó xây dựng chiến lược cụ thể phù hợp với đặc điểm và thế mạnh phát triển. Chiến lược, quy hoạch cần bám sát thực tế, tận dụng được các thế mạnh của vùng nhằm tăng cường cạnh tranh trong thu hút doanh nghiệp FDI với các tỉnh lân cận. Đồng thời, chính quyền tỉnh cần chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu thị trường, xác định mục tiêu thu hút cụ thể.
Về công tác định hướng lĩnh vực đầu tư của tỉnh, cần tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, tạo giá trị gia tăng lớn trên đơn vị sản phẩm. Chính quyền tỉnh xác định rõ phương hướng quy hoạch, xây dựng kế hoạch thu hút nguồn vốn FDI vào các KCN, CCN về công nghệ cao nhằm mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành trung tâm đầu tư công nghệ cao của cả nước.
Ngoài ra, chính quyền tỉnh cần định hướng quy hoạch và thúc đẩy việc hình thành và phát triển các KCN, CCN hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi đối với
việc thu hút các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các tập đoàn lớn đến tìm hiểu, thực hiện đầu tư trên địa bàn. Trong quá trình quy hoạch phát triển các KCN, CCN cần quan tâm tới chất lượng hoạt động không nên tập chung tăng về số lượng.
Công tác định hướng địa bàn đầu tư, theo dự báo trong những năm tới vốn FDI vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào những địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí - địa lý. Do vậy chính quyền tỉnh cần hoạch định và làm công tác định hướng cho các nhà đầu tư những địa bàn tỉnh ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI.
Bên cạnh đó chính quyền tỉnh tích cực thể hiện vai trò trong công tác định hướng đối tác đầu tư. Trong đó chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia (TNCs), việc thu hút các TNCs được khuyến khích cả hai hướng:
- Thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao, đảm bảo môi trường và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội như: giải quyết việc làm, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách, v.v.
- Xây dựng kế hoạch tạo điều kiện ưu tiên kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Các đối tác nhà đầu tư chính mà tỉnh hướng đến là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc); Châu Âu và Hoa Kỳ.
3.2.2. Hoàn thiện việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách và pháp luật về FDI
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư đã ban hành, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền trung ương nhằm xây dựng các văn bản hướng dẫn phù hợp.
Chủ động sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh đã ban hành tại địa phương.
Theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các luật mới, nhất là các luật và quy định mới được Quốc hội, Chính phủ thông qua trong thời gan gần đây có liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư đối với các dự án xây dựng các công trình phúc lợi (nhà ở, bệnh viện, trường học, văn hoá, thể thao) cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Xây dựng, ban hành các quy định cụ thể về vấn đề giải ngân; không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu; dự án tác động xấu đến môi trường.
Yêu cầu các cơ quan chuyên trách tiến hành, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi cho các đối tượng liên quan.