Trung Quốc là nước có đất tự nhiên rộng, người đông, nhưng đất canh tác so với diện tích tự nhiên nhỏ (10,8%), đất canh tác bình quân đầu người rất thấp (0,11 ha/người). Tuy vậy, nông nghiệp của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã đạt được những thành tựu rất to lớn. Hiện nay, Trung Quốc là nước có sản lượng nông sản lớn so với châu Á và thế giới. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở lại đây, xuất khẩu nông sản của Trung Quốc không ngừng gia tăng với tốc độ nhanh và ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Năm 1998, Trung quốc xuất khẩu được trên 2 triệu tấn gạo. Năm 2000, kim nghạch xuất khẩu nông sản của Trung Quốc đạt trị giá 13,54 tỷ USD. Chỉ tính riêng xuất khẩu rau các loại cũng đạt 1,19 tỷ USD. [9, tr.88]. Năm 2002, lượng rau xuất khẩu đạt 3,146 triệu tấn với trị giá 2,034 tỷ USD.
Sở dĩ năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu của Trung Quốc ngày càng tăng là do Chính phủ Trung Quốc thực hiện việc đầu tư có hiệu quả và áp dụng hàng loạt các chính sách trên lĩnh vực nông nghiệp như:
(1). Giải quyết tốt vấn đề ruộng đất - một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với nông dân. Trong đó, khuyến kích phát triển kinh tế hộ nông dân với các mô hình phong phú dựa trên quyền tự chủ sản xuất của nông hộ. Chính điều này đã tạo động lực phát triển vượt bậc cho nông nghiệp Trung Quốc.
(2). Điều chỉnh các hình thức tổ chức sản xuất như hình thành các tổ chức dịch vụ phục vụ nông nghiệp như hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã mua bán, công ty cổ phẩn làm dịch vụ cung cấp vật tư, kỹ thuật cho nông dân.
(3). Thực hiện tốt chính sách công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù dân số đông, nhưng Trung Quốc vẫn đẩy
mạnh cơ giới hoá nông nghiệp và coi đó là chiến lược phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hoá với khẩu hiệu: “ly nông, bất ly hương”. Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt khu công nghiệp mới ở các vùng nông thôn như công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để thu hút lao động nông nghiệp.
(4). Đầu tư nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các giống lai, góp phần đưa sản lượng nông nghiệp tăng nhanh và giảm giá thành sản phẩm.
(5). Huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn bằng các chiến dịch xây dựng thuỷ lợi, giao thông nông thôn nhằm phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hoá. Nguồn vốn để thực hiện việc này được huy động một phần từ ngân sách nhà nước, phần còn lại huy động từ sự đóng góp của ngưòi dân.
(6). Áp dụng chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng xuất khẩu. Trung Quốc đã tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm có thế mạnh như ngũ cốc, cây chè, chăn nuôi đại gia súc và chăn nuôi lợn, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt chính phủ đã có chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng đối với những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao như các loại giống lai (lúa lai, ngô lai).
(7). Thực hiện các chính sách ưu tiên cho xuất khẩu nông sản như chính sách hạ thấp thuế xuất khẩu, đa dạng hoá các hình thức xuất khẩu, kể cả hình thức xuất khẩu phi mậu dịch.
(8). Tiến hành hàng loạt biện pháp cải cánh mở cửa thị trường, giảm dần các rào cản thương mại, giảm các loại hỗ trợ và trợ cấp ảnh hưởng tới cạnh tranh bình đẳng, làm cho luật lệ minh bạch và dễ dự đoán
hơn, điều chỉnh các luật lệ quốc gia cho phù hợp với thông lệ WTO. Quá trình này vẫn tiếp diễn sau khi Trung Quốc gia nhập WTO theo lộ trình đã cam kết.
(9). Tiến hành tái cơ cấu về mặt chiến lược đối với ngành nông nghiệp nhằm đối phó với hiện trạng giá nông sản sụt giảm ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của nông dân, đồng thời phát huy hết tiềm năng để tận dụng các lợi thế về tiếp cận thị trường sau khi gia nhập WTO và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với nông nghiệp nông thôn. Trung Quốc cũng xem xét đánh giá các hạn chế cả về nguồn lực lẫn hạn chế trong việc tăng cầu nông sản để thông qua đó điều tiết thị trường nhiều hơn nữa và coi đây là giải pháp quan trọng để hướng sản xuất ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trưòng. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng nhận định rằng giảm giá nông sản luôn gắn liền với chu kỳ kinh tế cả ở trong nước và quốc tế. Do đó, để giành thế chủ động Trung Quốc phải cải thiện tình hình kinh tế trong nước và hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới nhằm tạo ra thị trường rộng lớn hơn cho nông sản.
Quá trình tái cơ cấu lại nông nghiệp và nông thôn được tiến hành từ cuối kế hoạch năm năm lần thứ chín gồm năm định hướng chính:
(i) Tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo giá trị gia tăng cao hơn;
(ii) Đẩy mạnh chế biến nông sản, đồng thời khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao;
(iii) Phát huy lợi thế cạnh tranh tương đối trong nông nghiệp ở từng địa phương, tiến tới tạo ra cơ cấu nông nghiệp theo vùng hợp lý để tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản và thúc đẩy nông nghiệp Trung Quốc phát triển;
(iv) Tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hương trấn, đồng thời thúc đẩy thành thị hoá nông thôn nhằm chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp tạo thu nhập cao hơn cho người dân;
(v) Thúc đẩy việc xây dựng môi trường sinh thái và phát triển bền vững ở các khu rừng đầu nguồn, vùng đất khô cằn cỗi.