Việt nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, có điều kiện khí hậu và sinh thái khá phong phú và đa dạng. Với sự hình thành 7 vùng sinh thái khác nhau, mỗi vùng có những nét đặc thù và những lợi thế riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiểu vùng "sinh thái - khí hậu đặc thù" cho phép phát triển một số cây đặc sản có năng suất sinh học cao và những đặc trưng về "hương vị - chất lượng" tự nhiên khác biệt mà ít nơi trên thế giới có được. Chính điều đó đã tạo cho nông sản Việt Nam có những lợi thế trong cạnh tranh về tính độc đáo của nông sản, được thế giới ưa thích. Tận dụng những điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng, Việt Nam đã hình thành được một số vùng sản xuất nông sản có giá trị xuất khẩu lớn:
Vùng cà phê Tây nguyên: cà phê Robusta của Việt Nam trên nền đất đỏ Bazan vùng Tây nguyên, với độ cao từ 400 - 700 mét, cho năng xuất bình quân đạt 1,3 tấn/ha, gấp 2,3 lần năng xuất bình quân thế giới (bảng 2.8), có hương vị đậm đà nổi tiếng.
Vùng ĐBSCL và ĐBSH được đánh giá vào loại phì nhiêu trên thế giới. Độ màu mỡ và những đặc điểm thời tiết khí hậu - mùa vụ cho phép ĐBSCL và ĐBSH sản xuất lúa quanh năm và thích nghi với nhiều giống lúa cao sản, lúa đặc chủng cho năng suất cao cũng như thuận lợi cho trồng các loại rau quả xuất khẩu.
Vùng Đông Nam Bộ hiện nay được đánh giá là vùng có kinh tế nông nghiệp giàu có của cả nước, nằm trong khu vực kinh tế công nghiệp - dịch vụ và đô thị lớn nhất của cả nước, với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng cho phép bố trí sản xuất nhiều cây trồng vật nuôi có hiệu quả, nhất là một số cây như: cao su, cà phê, điều, lúa, ngô, sắn, đậu đỗ các loại.
Vùng trung du miền núi phía Bắc là vùng có điều kiện tự nhiên, sinh thái khá đặc thù, địa hình phức tạp bị chia cắt nhiều. Đây là một vùng có tiềm năng kinh tế đa dạng cho phép bố trí sản xuất nhiều cây trồng vật nuôi có hiệu quả, nhất là một số cây như: chè, cà phê arabica, ngô, sắn, đậu đỗ các loại.
Với những đặc điểm trên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã có lợi thế và tiềm năng để phát triển. Đó là những lợi thế về năng suất, chất lượng và chi phí sản xuất thấp do điều kiện tự nhiên đem lại. Nhờ những lợi thế đó mà trong nhiều năm qua tuy Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu nông sản dạng nguyên liệu thô hoặc qua sơ chế nhưng vẫn thu được lợi nhuận. Song những lợi thế này cũng chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn, vấn đề là phải biết phát huy tốt các lợi thế đó để không ngừng nâng cao hiệu
quả và năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu trong thời gian tới thông qua việc áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến tạo sự biến đổi thực sự trong chất lượng và năng suất lao động xã hội. Trong thời đại ngày nay cần thiết phải thay đổi mục tiêu chiến lược chuyển từ cạnh tranh dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và giá nhân công rẻ sang lợi thế cạnh tranh dựa trên tiềm lực khoa học, năng suất lao động cao, chi phí thấp, tính đang dạng của sản phẩm cung ứng.