- diện tích gieo trồng lúa 9,9 7,0 66,
2.3.3 Chủng loại, mẫu mã nông sản xuất khẩu
Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều cải tiến theo hướng đa dạng hơn về chủng loại, nhưng chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào một số mặt hàng như gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều và rau quả.
Cơ cấu sản xuất chưa hợp lý, chưa quan tâm đến nhu cầu thay đổi của thị trường thế giới. Ví dụ, trong sản xuất gạo Việt Nam cũng chỉ mới đẩy mạnh sản xuất loại gạo tẻ thường mà chưa chú trọng sản xuất những loại gạo đặc sản có giá trị xuất khẩu cao, sản xuất những loại gạo sạch để xuất khẩu cho những thị trường cao cấp. Trong sản xuất cà phê, chúng ta còn tập trung quá lớn vào sản xuất cà phê Robusta trong khi đó chưa quan tâm mở rộng sản xuất cà phê Arabica là loại cà phê đang được thị trường ưa chuộng, giá cao.
Ngành chế biến cao su vẫn chậm đổi mới so với yêu cầu đa dạng về các loại sản phẩm cao su của thị trường thế giới. Hiện nay, Việt Nam mới có 4 chủng loại cao su được chế biến để xuất khẩu là cao su khối (SVR) chiếm tỷ lệ cao trên 95% chủ yếu xuất khẩu sang thị trường trung
Quốc, loại mủ cô đặc (mủ kem, mủ ly tâm) chiếm 3%, loại cao su xông khói (RSS hoặc ICR) chỉ chiếm 1,5% và cao su Crếp chiếm 0,5%. Những số liệu trên cho thấy chế biến cao su chủ yếu vấn là sơ chế, chế biến thô, nên hạn chế lớn đến khả năng cạnh tranh, bị thua thiệt nhiều về giá và khả năng thâm nhập vào thị trường thế giới. Mặt khác sản lượng thấp và mẫu mã sản phẩm chế biến đơn điệu làm hạn chế khả năng tiếp thị và xâm nhập vào các thị trường có sức mua cao và ổn định, như: Mỹ, Nhật Bản. Trong khi đó, để xâm nhập thị trường EU, Bắc Mỹ, Chính phủ Thái Lan đang áp dụng chương trình hỗ trợ kỹ thuật công nghệ để nâng cao tỷ trọng cao su SR xuất khẩu lên 20% (khoảng 200- 250 ngàn tấn/năm, chỉ tính riêng cao su loại SR đã lớn hơn cả tổng sản lượng cao su của Việt Nam). Đây thực sự là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu cao su sang các thị trường này.
Có thể nói, chủng loại, mẫu mã nông sản xuất khẩu đơn điệu, chủ yếu mới xuất khẩu những gì Việt Nam "có" chứ chưa hướng tới xuất khẩu những gì "thị trường cần". Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu dưới giác độ tăng khả năng mặc cả về giá, tăng khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu cần phải đa dạng hoá các chủng loại, mẫu mã sản phẩm.