Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng VĐT xây dựng cơ bản từ
ngân sách nhà nước thành phố Thái Nguyên
4.2.1. Xây dựng và công khai qui trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư
Đây là một giải pháp hữu hiệu để thực hiện tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, ngăn ngừa tiêu cực ,tham nhũng xảy ra trong quá trình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư. Khi thực hiện cấp phát vốn cho các dự án đầu tư, để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện để điều kiện thanh toán, cơ quan cấp phát, cho vay phải dựa trên các căn cứ như: căn cứ vào thiết kế kĩ thuật, tổng dự toán, dự toán hạng mục công trình; quyết định thành lập Ban quản lý dự án , phải mở tài khoản tại cơ quan cấp phát, cho vay vốn đầu tư; quyết định trúng thầu, chỉ định thầu; căn cứ vào hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu; căn cứ vào các kế hoạch đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền công bố ; căn cứ vào bảo lãnh tạm ứng; phiếu giá thanh toán kèm theo biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán. Các cơ quan cấp phát và quản lý vốn đầu tư phải cải tiến thủ tục hành chính, kiểm soát nội bộ để đảm bảo thời gian giải ngân vốn đầu tư theo sát khối lượng nghiệm thu được đề nghị thanh toán của chủ đầu tư và các nhà thầu.
4.2.2. Đẩy nhanh việc huy động vốn đầu tư XDCB
Thành phố Thái Nguyên là một thành phố đang phát triển rất mạnh, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, nên vốn đầu tư XDCB là rất cần thiết và cần nhiều. Do vậy, để huy động được nhiều vốn XDCB, theo tác giả tỉnh cần tập trung những vấn đề sau:
- Tập trung huy động và sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn thu từ quỹ đất, huy động và sử dụng lao động hợp lý; phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đã dạng hoá hình thức đầu tư, đẩy mạnh thu hút sự tham gia
của nhân dân, khu vực tư nhân và đầu tư của nước ngoài vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Xã hội hóa cũng như tư nhân hóa là một trong những giải pháp vô cùng hiệu quả.
- Huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước (ADB, WB...), đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về thương mại, dịch vụ, du lịch. Thực hiện tốt việc bố trí cơ cấu đầu tư trên cơ sở thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đáp ứng cho phát triển các lĩnh vực xã hội. Đặc biệt, đi kèm với đó, tỉnh cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, chống tham nhũng, lãng phí. Đây thậm trí là vấn đề còn quan trọng hơn cả việc huy động vốn.
- Điều chỉnh, bổ sung chiến lược nhằm thu hút tốt vốn từ nước ngoài (vốn FDI, ODA, các tổ chức NGO...) bằng các danh mục, các dự án rõ ràng, có ưu tiên và chọn lọc. Đa dạng hoá các hình thức và phương thức đầu tư.
- Đặc biệt quan tâm đến các dự án từ nguồn vốn ODA. Về quản lý nguồn vốn ODA: khung khổ pháp lý, hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến ODA trong thời gian qua tuy đã được liên tục hoàn thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu hài hoà thủ tục trong nước với các nhà tài trợ.
4.2.3. Nâng cao chất lượng công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng phải hoàn thành mới được phép triển khai dự án. Tránh tình trạng vừa đền bù vừa thi công, chỉ cần một ách tắc nhỏ thì cả dự án phải đình trệ. Trước khi tiến hành đền bù, phải tiến hành lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong vùng bị ảnh hưởng. Thực hiện quy chế dân chủ, công khai. Nếu có 2/3 số ý kiến của người bị ảnh hưởng đồng ý phương án đền bù thì phải triển khai đồng loạt, đồng thời có biện pháp cụ thể để cưỡng chế đối với số còn lại nếu họ không đồng ý thực hiện.
Áp dụng cơ chế đền bù lấy của người được lợi thế mới để đền bù cho người bị ảnh hưởng (đặc biệt là trong đền bù xây dựng giao thông đô thị). Nếu làm tốt việc này thì không những dự án đỡ tốn chi phí đền bù mà Nhà nước còn
được khoản chênh lệch đáng kể (chênh lệch giữa người được hưởng lợi do có lợi thế so sánh mới với người bị ảnh hưởng).
Dành vốn để tập trung đầu tư các khu di dân tái định cư, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tái định cư hiện tại và trong những năm tiếp theo. Tập trung giải quyết thủ tục tái định cư cho người dân một cách nhanh gọn, dứt điểm.
4.2.4. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, quyết toán VĐT XDCB
Giám sát, kiểm tra, thanh tra là nội dung quan trọng trong quản lý, sử dụng VĐT. Đặc điểm riêng của hoạt động đầu tư XDCB từ NSNN là: có quy mô vốn lớn, khả năng thu hồi vốn thấp và việc quản lý vốn liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giai đoạn.
Nâng cao hiệu quả công tác giám sát đầu tư XDCB nội bộ tại các cấp. Tại mỗi bộ phận quản lý vốn cần có quy trình, quy chế cụ thể để giám sát trong công việc, trên cơ sở giao quyền và trách nhiệm cụ thể. Giám sát, kiểm tra nội bộ là công việc thường xuyên của các đơn vị quản lý và thực hiện VĐT XDCB. Cần xây dựng lịch thanh, kiểm tra một cách định kỳ, cục bộ cũng như toàn diện để đảm bảo công trình đầu tư được đúng tiến độ.
Đảm bảo chất lượng công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán. Tổ chức tổ thẩm tra quyết toán bao gồm các cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và tư cách đạo đức để thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành. Làm rõ trách nhiệm các bên tham gia thanh toán như: chủ đầu tư, cơ quan cấp phát thanh toán, cơ quan tư vấn, trách nhiệm của các nhà thầu để nâng cao vai trò trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ trong công tác quản lý tài chính đầu tư XDCB.
4.2.5. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư và quản lý tài chính đầu tư đầu tư và quản lý tài chính đầu tư
Con người là yếu tố quyết định, đặc biệt trong công tác quản lý. Việc không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý tài chính đầu tư là yêu cầu khách quan, là việc làm thường xuyên, liên tục. Công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thuộc
lĩnh vực quản lý đầu tư XDCB tuy đã được UBND tỉnh đặt ra như một vấn đề cấp thiết trong nhiều năm nay, nhưng trên thực tế hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Sau đây là một số giải pháp nhằm tăng cường công tác này trong thời gian tới:
Xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho chiến lược đào tạo và đào tạo lại đội ngũ quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, như: đổi mới chương trình đào tạo phân theo từng lĩnh vực chuyên môn khác nhau để thực hiện đào tạo chuyên môn sâu lĩnh vực đang công tác.
Lĩnh vực đầu tư XDCB thuộc loại ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ thất thoát cao nhất, mà điều kiện quyết định đến hiệu quả của bất kỳ hoạt động nào, liên quan đến lĩnh vực nào đều là yếu tố con người. Đối với việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ tư vấn chỉ cho những người đã tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành gì thì mới làm tư vấn theo lĩnh vực đó, đúng chuyên môn được đào tạo.
4.2.6. Một số giải pháp khác
Tập trung đầu tư thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng các khu dân cư, hạ tầng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo tiến độ cho đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng các khu dân cư của thành phố và các dự án vay vốn ngân hàng thế giới.
Bố trí đủ nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đấu giá thu tiền sử dụng đất.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác giám sát đầu tư, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng của các dự án, quan tâm giải ngân đúng tiến độ vốn đầu tư, hoàn thiện các thủ tục đầu tư và lập hồ sơ quyết toán công trình.
Rà soát quỹ đất để đấu giá thu tiền sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu chi cho đầu tư xây dựng cơ bản.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường rà soát các quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản nhằm giảm bớt thủ tục không cần thiết. Hoàn thiện, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác xây dựng cơ bản.
Tập trung huy động các nguồn vốn để đối ứng thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư dự án Chương trình đô thị Miền núi phía Bắc thành phố Thái Nguyên.
Tăng cường vận động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, nhân dân trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị thành phố.