Hiệu quả sử dụng VĐT XDCB thông qua xác định thất thoát, lãng phí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thái nguyên tỉnh thái nguyên​ (Trang 81 - 84)

Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.6.Hiệu quả sử dụng VĐT XDCB thông qua xác định thất thoát, lãng phí

trong đầu tư XDCB từ nguồn NSNN

3.6.1. Thất thoát lãng phí trong khâu xác định chủ trương đầu tư

Hầu hết các dự án đầu tư đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và trên cơ sở quy hoạch chung, nhưng trên thực tế có trường hợp không có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa hợp lý phải điều chỉnh lại, hoặc trong quá trình lập dự án do khảo sát không kỹ, lựa chọn địa điểm, công nghệ chưa thích hợp, đầu tư không đồng bộ giữa các hạng mục, xác định quy mô xây dựng công trình vượt quá nhu cầu sử dụng dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn NSNN

Nguyên nhân dẫn đến quyết định chủ trương sai một phần do trình độ, nhận thức, quan điểm của người có thẩm quyền chưa đủ tầm, một phần do công tác kiểm định của cơ quan chuyên môn tham mưu cho người có thẩm quyền. Việc bàn bạc, cân nhắc, tính toán về khía cạnh hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, môi trường đầu tư còn hời hợt, thiếu cụ thể. Có không ít trường hợp khi quyết định về chủ trương đầu tư còn nặng về phong trào, chạy theo thành tích nên kéo theo tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả.

Tại tỉnh Thái Nguyên nói chung và thành phố Thái Nguyên nói riêng, chỉ xét các dự án trọng tâm, trọng điểm thực hiện đến năm 2015 đã được UBND tỉnh thông báo. Hiện nay dự án xây mới đường Bắc Sơn bị hoãn do thiếu kinh phí. Như vậy cũng gây ra lãng phí do xác định chủ trương đầu tư chưa đúng.

3.6.2. Thất thoát lãng phí vốn trong đấu thầu xây dựng

+ Hầu hết các gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi nhưng chưa thể hiện được tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế (tiết kiệm thông qua đấu thầu không cao giảm khoảng 1.9- 2.5% so với giá gói thầu), hiện tượng đấu thầu

hình thức vẫn còn tiếp diễn, đăng tải các thông tin trong đấu thầu không đúng phương tiện quy định.

+ Công tác thẩm định các nội dung trong đấu thầu: Chưa đánh giá hết các sai sót của các hồ sơ dự thầu; chậm phát hiện và chưa mạnh dạn, kiên quyết trong việc đề xuất xử lý các sai phạm của chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu; còn có sự châm chước, nể nang khi thẩm định kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu.

+ Đa số các công trình chưa hoàn thành đền bù GPMB nhưng đã đề nghị cho đấu thầu, khởi công, gây khó khăn cho các nhà thầu, tiến độ phải kéo dài. Một số công trình đồng ý cho kéo dài tiến độ là đúng bởi không do nhà thầu gây ra nhưng gần đây nhiều công trình đã “mượn gió bẻ măng”, cố tình xin kéo dài tiến độ để được hưởng chế độ bổ sung dự toán không đúng quy định. Một số đơn vị trúng thầu nhưng năng lực thực sự không có nên đã bán lại công trình cho đơn vị khác để thu lời làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình.

+ Công tác báo cáo về đấu thầu còn yếu kém trong nhiều năm, chất lượng nội dung báo cáo sơ sài, số liệu không đảm tính đầy đủ và trung thực, báo cáo không kịp thời hoặc không làm báo cáo.

3.6.3. Thất thoát lãng phí trong khâu bồi thường - giải phóng mặt bằng

Bồi thường - Giải phóng mặt bằng rất khó khăn là một trong những tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ thi công. Nhất là khi Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2009. Việc quy định mức Bồi thường - GPMB theo đơn giá địa phương còn chậm.

3.6.4. Thất thoát lãng phí trong thi công công trình

Một số công trình XDCB chất lượng chưa cao, tiến độ kéo dài và hiệu quả kém; Một số công trình mới bàn giao thời gian ngắn đã xuất hiện thấm dột, hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh bị hư hỏng; nền đường bị lún võng, mặt đường nhựa bị biến dạng, mặt đường BTXM300 nhưng đã bị rạn, võng, sứt vỡ. Vật

liệu, kết cấu đưa vào công trình không đảm bảo (đất đắp không đúng chủng loại, không đạt độ ẩm quy định, loại gạch không đủ cường độ, cốt liệu và nước đổ bê tông không đảm bảo...). Các chứng nhận kiểm định chất lượng vật liệu, kết cấu được nhà thầu thi công xuất trình đầy đủ nhưng thực tế có khi chuẩn bị nghiệm thu mới được tiến hành kiểm định, nội dung xác nhận chưa đủ tin cậy, tình trạng mua bán kết quả thí nghiệm có chiều hướng gia tăng.

Nhiều công trình không có biện pháp thi công và tiến độ thi công chi tiết được nhà thầu xuất trình sau khi trúng thầu nên không thể kiểm soát được tiến độ thực hiện.

Tư vấn giám sát công trình không thường xuyên có mặt ở công trường, chủ yếu do nhà thầu tự làm nhưng vẫn xác nhận vào nhật ký công trình và biên bản nghiệm thu.

Năng lực của nhà thầu: Hầu hết các doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn thành phố đều có năng lực tài chính yếu; nhân lực có hạn; hạn chế máy móc; chất lượng công nhân tay nghề thấp, không được đào tạo cơ bản, trong khi lại thi công quá nhiều công trình nên thường xuyên chậm tiến độ hoặc cố tình chỉ thi công phần khối lượng tương ứng với số vốn được bố trí trong năm. Có hiện tượng một số doanh nghiệp được tạm ứng vốn với tỷ lệ rất lớn sau đó chây ỳ, không thực hiện hợp đồng, không thi công, nhưng chưa được làm rõ và xử lý.

3.6.5. Khép kín trong đầu tư xây dựng

Vấn đề khép kín trong đầu tư xây dựng: Có nhiều dự án chủ đầu tư là người quản lý vốn, tự lập và thẩm tra hồ sơ Thiết kế BVTC-DT, cũng đồng thời là Bên mời thầu, tự thành lập Tổ chuyên gia xét thầu. Sự khép kín trên sẽ làm mòn khả năng kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan liên quan, không khoa học trong quản lý đầu tư xây dựng là điều kiện dẫn tới thất thoát vốn Nhà nước, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thái nguyên tỉnh thái nguyên​ (Trang 81 - 84)