7. Kết cấu của luận văn
3.1. Xu hướng phát triển của ngành Dệt may Việt Nam
Thực tế cho thấy sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngành Dệt May Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ, thông tin, các dịch vụ cũng như có kinh nghiệm quản lý tốt hơn và được bình đẳng về thuế quan giữa các nước thành viên. Với những lợi thế riêng như ổn định chính trị, năng suất, chi phí nhân công thấp, đáp ứng được sự đa dạng về các chủng loại hàng may mặc..., Dệt May Việt Nam đang ngày càng khẳng định được uy tín trên thị trường thế giới và đứng trong top các nước xuất khẩu cao.
Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Xúc tiến xuất khẩu từ các nước đang phát triển sang EU (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong giai đoạn 2005 - 2011 của Việt Nam đạt mức cao nhất thế giới với 32%, trong khi đó Trung Quốc đạt 15%, Ấn Độ 10%, các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan đạt mức 7%.
Năm 2012, mặc dù ngành dệt may toàn cầu gặp nhiều khó khăn song xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục giữ mức tăng trưởng trên 8%. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn tăng trưởng ổn định mặc dù nhập khẩu dệt may nói chung vào các thị trường này đều tăng chậm, thậm chí giảm. Cụ thể nhập khẩu dệt may vào thị trường Mỹ năm 2012 giảm 0,5% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%; nhập khẩu dệt may vào Nhật Bản tăng 8% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh 19,3%; thậm chí tại thị trường Hàn Quốc khi nhập khẩu dệt may vào thị trường này giảm 7% thì nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%. Điều này cho thấy dệt may Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín tại các thị trường truyền thống.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta đạt 15,09 tỉ USD, tăng trưởng 7,5%. Điều đáng nói là, xuất khẩu các mặt hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng mạnh tại các thị trường mới, không phải thị trường truyền thống của
Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường ASEAN tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Campuchia là nước đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong khối ASEAN, với kim ngạch tăng 103% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại một số thị trường khác cũng có mức tăng trưởng mạnh như sang Na Uy tăng 134,6%, sang New Zealand tăng 120%, sang Australia tăng 37%... Như vậy, không ỷ lại vào các thị trường lớn sẵn có, dệt may Việt Nam tiếp tục mở rộng đối tác sang các thị trường mới và tiềm năng. Tính đến nay sản phẩm dệt may Việt Nam đã có mặt ở tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để có được kết quả này, ngoài lợi thế về ổn định chính trị, chi phí nhân công vẫn thấp hơn so với các nước có cạnh tranh như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam là đối tác có thể đáp ứng được sự đa dạng về các chủng loại hàng may mặc và thực hiện công tác trách nhiệm xã hội với người lao động đảm bảo. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà nhập khẩu vì họ có thể tìm mua, đặt hàng được nhiều chủng loại sản phẩm. Hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam luôn thực hiện đúng các tiêu chuẩn khách hàng quốc tế đặt ra như về lao động, môi trường sản xuất, trách nhiệm xã hội… Các tổ chức phi chính phủ và khách hàng lớn của dệt may Việt Nam đều đánh giá Việt Nam là một hình mẫu của ngành công nghiệp dệt may lành mạnh, đi liền với luật lao động rõ ràng và mức lương công bằng. Giám đốc chương trình của dự án Better Work tại Việt Nam thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định: “Việt Nam xác định con đường cạnh tranh dài hạn là bên cạnh việc cung cấp dịch vụ lao động giá thấp là tăng cường và cải thiện hệ thống luật pháp. Trong thập kỷ vừa qua, các điều kiện làm việc trong nhiều nhà máy đã được cải thiện và công nhân được tôn trọng. Các công ty này luôn sẵn lòng giữ lại các lao động làm được việc và công nhân cũng được hưởng các lợi ích như đào tạo chuyên môn, nơi ở và bữa ăn miễn phí”.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm khá lạc quan, nhiều doanh nghiệp đã ổn định đơn hàng hết quý III/2013, có những đơn vị khách hàng đã ký hợp đồng sản xuất
hết năm. Hơn nữa, với FTA Việt Nam - EU và TPP đang đàm phán thì cơ hội tăng thị phần xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới đang mở ra rất rộng cho ngành Dệt May Việt Nam.
Tuy nhiên ngành dệt may vẫn luôn quan tâm đến việc nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh thiết kế chuyển dần sang kinh doanh theo phương thức ODM để tạo giá trị gia tăng, đồng thời chú trọng hơn nữa vào nội địa hóa các nguồn nguyên liệu, đây là giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành dệt may. Hiện nay, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang tiến hành đẩy mạnh đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu bông vải, sản xuất xơ sợi từ cây keo, cây gai để phát triển công nghiệp phụ trợ sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho dệt may, ngoài ra cần đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chuyên về ngành nhuộm để tập trung vào việc phát triển công nghệ và thuận lợi cho việc xử lý hệ thống chất thải.