Phân tích chuỗi giá trị thủy sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuỗi giá trị toàn cầu ngành thủy sản và sự tham gia của việt nam (Trang 25 - 27)

1.2. Cơ sở lý luận về phân tích chuỗi giá trị thủy sản

1.2.3. Phân tích chuỗi giá trị thủy sản

Chuỗi GTTS sẽ bắt đầu từ hệ thống sản xuất nguyên liệu thô và chuyển dịch theo các mối liên kết với các DN khác trong kinh doanh, chế biến... Phân tích chuỗi GTTS xác định mối liên kết giữa các bên tham gia. Phân tích chuỗi GTTS cho biết những gì đang diễn ra giữa những người tham gia trong chuỗi, những gì liên kết họ với nhau. Mỗi một thành viên của chuỗi GTTS là người mua hàng của người trước và là nhà cung cấp cho người sau. Họ có thể hoạt động độc lập với nhau, nhưng lại phụ thuộc lẫn nhau bởi vì họ có những mục tiêu chung và hoạt động để đạt được điều đó. Một sự hợp tác tạo ra giá trị và giảm chi phí. Và mỗi thành viên góp thêm giá trị tại cuối của chuỗi bằng cách đóng góp vào sự thỏa mãn của khách hàng.

Để hiểu rõ hơn về các hoạt động dẫn đến một lợi thế cạnh tranh, có thể bắt đầu với chuỗi giá trị chung và sau đó xác định các công ty có liên quan đến cụ thể từng hoạt động và liên kết giữa các hoạt động phải được xác định. Một liên kết tồn tại nếu hiệu suất hoặc chi phí của một trong những hoạt động mà ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Lợi thế cạnh tranh có thể thu được bằng cách tối ưu hóa và điều phối các hoạt động liên kết. Hiểu biết về các mối liên kết giữa các hoạt động có thể sẽ tìm được cách thức tiết kiệm chi phí hoặc tạo sự khác biệt.

Mặt khác, phân tích chuỗi GTTS sẽ giúp các DN thủy sản xác định cách thức mà DN tạo ra giá trị cho khách hàng và tiến tới tối đa hóa giá trị thông qua việc cung cấp sản phẩm với chi phí thấp và tạo sự khác biệt. Các phân tích chuỗi giá trị cho biết liên kết các giá trị của các hoạt động của các tổ chức với các bộ phận chức năng chính của nó. Sau đó đánh giá sự đóng góp của mỗi phần trong giá trị gia tăng tổng thể của DN được thực hiện (Lynch, 2003).

Xét về vĩ mô, phân tích chuỗi giá trị thủy sản cho ta thấy một cách nhìn tổng thể và một bí quyết sản xuất về các thực tiễn kinh tế cụ thể. Kết quả của các phân tích này được sử dụng để chuẩn bị cho các quyết định về mục tiêu và chiến lược.

Dựa trên một phân tích chuỗi được chia sẻ, các DN có thể xây dựng một tầm nhìn chung và xác định các chiến lược nâng cấp phối hợp. Các cơ quan chính phủ sử dụng phân tích chuỗi giá trị thủy sản để định dạng và lập kế hoạch về các hoạt động hỗ trợ cũng như để giám sát các tác động có thể xảy ra. Ngoài ra phân tích chuỗi giá trị thủy sản không chỉ được sử dụng trong bối cảnh phát triển mà còn giúp các DN tư nhân đưa ra các quyết định kinh doanh.

Phân tích chuỗi giá trị thủy sản giống như phân tích ngành hàng, đặc biệt là về mặt phương pháp luận. Tuy nhiên, khác với phân tích ngành hàng – vốn chỉ xem xét cấu trúc các thị trường hợp nhất, thì phân tích chuỗi giá trị thủy sản chỉ tập trung vào các sản phẩm thủy sản cụ thể.

Phân tích chuỗi GTTS sẽ hỗ trợ cho phân tích ngành hàng thủy sản đưa ra các yếu tố mới tăng cường khả năng phân tích ngành hàng và dựa trên bộ khung của phân tích ngành hàng. Phân tích ngành hàng thủy sản là phân tích xu hướng và đặc điểm thị trường; quan hệ giữa các bên tham gia; cơ hội và thách thức của ngành hàng thủy sản; vẽ sơ đồ xác định mối liên kết giữa các bên tham gia. Còn phân tích chuỗi giá trị thủy sản là phân tích cấu trúc phân bổ giữa các bên tham gia; so sánh khả năng cạnh tranh; quan hệ giữa các bên tham gia; quản trị thị trường.

Như vậy, phân tích chuỗi GTTS là quá trình phân tích, đánh giá sản phẩm thủy sản từ nhiều cấp độ, nhiều khía cạnh để thấy được bức tranh về dòng chảy sản phẩm, dòng thông tin, dòng tiền, các tác nhân liên quan tới sản phẩm, quan hệ của các tác nhân với nhau và giá trị tăng thêm tại mỗi mắt xích. Từ đó có thể khám phá và xác định một cách đầy đủ những hạn chế và khó khăn cản trở đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vị trí cạnh tranh của các DN tham gia vào chuỗi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuỗi giá trị toàn cầu ngành thủy sản và sự tham gia của việt nam (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)