1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến tạo động lực lao động
1.4.4. Các công cụ tạo động lực lao động
1.4.4.1. Công cụ thu nhập
Đảm bảo tốt các chế độ tiền lương, phụ cấp, điều kiện và phương tiện làm việc, nhà ở, ...đối với người lao động, tiền lương phải thật sự trở thành bộ phận cơ bản trong thu nhập của họ. Tiền lương phải đủ đảm bảo tái sản xuất
mở rộng sức lao động. Tiền lương là đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ nhất để kích thích người lao động ở một nước đang phát triển như Việt Nam làm việc với năng suất và hiệu quả cao nhất.
1.4.4.2. Công cụ môi trường làm việc và điều kiện làm việc
Môi trường làm việc cũng như điều kiện làm việc ảnh hưởng đến động lực thông qua vai trò và ý nghĩa của công việc, tính phức tạp, khả năng tiêu chuẩn hoá, tính độc lập, tính sáng tạo...Vì vậy để tạo động lực cho người lao động thì tổ chức sử dụng lao động và người quản lý trực tiếp cần quan tâm tới thiết kế công việc, thường xuyên làm mới, làm giàu thêm những phần việc của mỗi nhân viên. Cần làm cho công việc giảm tính nhàm chán xuống thấp nhất, tăng dần số lượng và độ phức tạp, tăng dần tính độc lập và sáng tạo lên cao nhất. Niềm yêu thích công việc và sự say mê khi được làm việc chính là động lực mạnh mẽ nhất giúp mỗi người luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và đạt được những thành công trong sự nghiệp.
Xây dựng bầu không khí lao động tập thể thân thiện, hợp tác và chia sẻ thông qua các hoạt động làm việc tổ, nhóm như: tổ chức phong trào thi đua tập thể, phong trào thể thao, văn nghệ, trò chơi… để mọi người thường xuyên được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, giải trí, chia sẻ niềm vui, khó khăn trong cuộc sống đời thường. Khi đó người lao động sẽ thấy thoải mái, tinh thần làm việc phấn chấn, yêu thích công việc, gắn bó với đồng nghiệp và gắn bó với tổ chức, vì mục tiêu chung của tổ chức hơn.
1.4.4.3. Công cụ đào tạo và thăng tiến
Trong tháp nhu cầu của Abraham Maslow, nhu cầu được tôn trọng và tự hoàn thiện mình được xếp ở bậc cao. Việc khai thác đúng khả năng, tiềm năng của người lao động và tạo cơ hội phát triển cho họ chính là tạo động lực thúc đẩy năng lực làm việc của người lao động. Người lãnh đạo nên chủ động vạch ra những nấc thang nghề nghiệp kế tiếp cho họ, cho họ thấy được tương
lai của mình sẽ thế nào khi gắn bó với tổ chức. Đó là sự nhìn nhận đúng mức, sự đánh giá cao năng lực của người lao động và chính bản thân người lao động sẽ phấn đấu hơn để đạt những bậc cao trong nấc thang thăng tiến.
Khi tổ chức chọn đúng người có khả năng, có thành tích xuất sắc để đề bạt thì mang lại lợi ích lớn cho tổ chức cũng như người lao động. Và những người lao động khác sẽ noi gương theo để cố gắng. Quan trọng là chính sách thăng tiến, đề bạt cần rõ ràng, minh bạch, cụ thể sẽ kích thích được người lao động tăng thêm nỗ lực làm việc.
Từ những nỗ lực của bản thân những người lao động, và sự ghi nhận của lãnh đạo, để có thể vươn tới một vị trí cao hơn trong tổ chức đòi hỏi trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động phải được đào tạo bài bản để có thể và đúng với vị trí làm việc của mình. Việc cho người lao động có được cơ hội học tập, đào tạo về mặt chuyên môn nghiệp vụ đúng với sở trường và yêu cầu của công việc trước khi được đề bạt lên một vị trí cao hơn là rất cần thiết cho tất cả người lao động và cho tổ chức. Đào tạo không những giúp nâng cao kiến thức và trình độ cho bản thân người lao động, nó còn thúc đẩy sự phát triển của tổ chức bởi vì chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố tạo nên hiệu quả trong công việc, một tổ chức khi có được đội ngũ lao động chất lượng cao sẽ giúp tổ chức tạo được vị thế trên thị trường lao động.
1.4.4.4. Công cụ đánh giá thành tích
Đánh giá những thành tích thực hiện công việc của nhân viên có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân và tổ chức, khi được đánh giá công bằng, khách quan sẽ là biện pháp hữu hiệu để tạo động lực cho người lao động. Kết quả đánh giá thực hiện công việc càng chính xác thìsẽ càng kích thích người lao động làm việc, tăng lòng tin của người lao động với tổ chức.
Có nhiều cách kết hợp và lựa chọn các phương pháp như: phương pháp thang đo đánh giá đồ họa, phương pháp danh mục kiểm tra, phương pháp so
sánh… Dù áp dụng theo phương pháp nào thì hệ thống đánh giá thực hiện công việc cần đáp ứng các yêu cầu sau: phù hợp với mục tiêu quản lý, có khả năng phân biệt được người hoàn thành tốt công việc thật sự và những người đối phó với công việc được giao. Nếu tổ chức thực hiện đánh giá chính xác và cho người lao động thấy được việc ra các quyết định quản lý có sự tham gia rất lớn từ chính kết quả thực hiện công việc của người lao động thì sẽ tác động lớn tới nỗ lực làm việc của họ.