a. Khái niệm “Hoạt động ngoài trời”
Hoạt động ngoài trời ở trường mầm non là một hoạt động giáo dục nằm trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ ở trường mầm non, được nhà giáo dục tổ chức một cách có mục đích trong môi trường không gian tự nhiên ngoài lớp học.
b. Đặc điểm hoạt động ngoài trời của trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi ở trường mầm non
HĐNT là một trong những hoạt động cơ bản của trẻ ở trường mầm non. HĐNT được tiến hành: vào các buổi sáng hàng ngày, thường trong khoảng 40
phút, sau hoạt động vui chơi.
* Cấu trúc HĐNT gồm 3 phần Phần I: Chuẩn bị cho HĐNT Phần II: Trọng tâm HĐNT
- Hoạt động khám phá - Hoạt động vui chơi
Phần III: Kết thúc
* Nội dung hoạt động ngoài trời của trẻ MG 3 – 4 tuổi ở trường MN
Nội dung hoạt động ngoài trời căn cứ vào các chủ đề giáo dục, đặc điểm, điều kiện sân vườn ở trường và điều kiện thời tiết, có thể đưa ra một số nội dung cụ thể sau:
Phần I: Chuẩn bị
Bao gồm các hoạt động để chuẩn bị cho buổi HĐNT bị như: trang phục, chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi mang ra sân, di chuyển từ lớp ra sân…
Phần II: Trọng tâm của HĐNT
- Hoạt động khám phá: Phần này giáo viên tổ chức cho trẻ một trong các nội dung sau:
+ Quan sát một số sự thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên, âm thanh, thời tiết, cây cối, hoa lá, hoạt động của con người, con vật…
+ Tham gia các hoạt động chăm sóc ở góc thiên nhiên: cho các con vật yêu thích ăn, tưới cây, lau lá, xới đất, nhổ cỏ, nhặt lá …
Dạo chơi trong sân trường, thăm các khu vực trong trường (thăm nhà bếp, phòng y tế và các nhóm lớp học khác…) hoặc tham quan ngoài khu vực trường như: công viên, sở thú, cánh đồng, trang trại, cửa hàng, siêu thị, trường tiểu học, doanh trại bộ đội, xí nghiệp, nhà máy… thuộc cộng đồng dân cư gần trường.
- Hoạt động vui chơi: Giáo viên có thể tiến hành các nội dung chơi sau:
+ Chơi trò chơi vận động:Mỗi buổi trẻ thường được chơi 1 – 2 trò chơi
vận động. Trẻ chơi những trò chơi vận động dân gian mà trẻ yêu thích nhằm tăng cường khả năng vận động cơ thể như: chạy, nhảy, leo trèo, nắm bắt…
giúp trẻ phát triển kĩ năng vận động tinh và vận động thô, sự phối hợp vận động và khả năng vận động theo nhóm
+ Chơi tự do: phần này trẻ được tự do lựa chọn trò chơi với các thiết bị chơi ngoài trời; làm đồ chơi và chơi với các vật liệu thiên nhiên như: cây, hoa, lá, cát, sỏi, nước.
Chơi với các thiết bị chơi ngoài trời như: xích đu, thang leo, cầu trượt, đu quay, bập bênh…
Chơi với các đồ chơi mang ở trong lớp ra như: bóng, vòng, phấn, làn giỏ, ô tô, xe đẩy… hoặc các đồ chơi do cô và trẻ tự làm như: gấp máy bay, thuyền giấy, gấp lá làm con trâu, củ ấu, đồng hồ, sâu dây hoa làm vòng cổ, vòng tay,…nhặt các vật liệu thiên nhiên như: cát, sỏi, nước, hoa, lá, cây cỏ làm đồ trang trí…
Trẻ vẽ, viết trên sân nhằm củng cố, ôn luyện kiến thức đã học như: làm quen với toán, làm quen với môi trường xung quanh, tạo hình.
Phần III: Kết thúc
Trẻ trở về lớp và chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo.
Như vậy, hoạt động ngoài trời có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển trẻ mầm non. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ 3 – 4 tuổi do trẻ vẫn còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc tự bảo vệ bản thân.
1.1.3.2. Vai trò của HĐNT đối với việc hình thành kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ 3 – 4 tuổi
Hình thành kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ không thể thông qua việc giảng giải mà trẻ phải học kĩ năng thông qua quá trình trẻ hoạt động và trải nghiệm “you do, you learn, you know” (trẻ hoạt động, trẻ học, trẻ biết) [10]. Thông qua hoạt động, trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh, nhận thức của trẻ mở rộng, chúng hiểu hơn về thế giới quanh mình, biết được các nguy cơ gây nguy hiểm, từ đó có cách hoạt động đúng, phù hợp với đối tượng, tình huống và đảm bảo được an toàn cho bản thân.
- Hoạt động ngoài trời là một hoạt động thiết lập mối quan hệ giữa trẻ với môi trường xung quanh, rèn luyện sức khỏe, góp phần mở rộng vốn hiểu biết của trẻ về môi trường tự nhiên xã hội, đồng thời ta có thể giúp trẻ củng cố kiến thức về các mối nguy cơ gây nguy hiểm, hướng dẫn trẻ quan sát, nhận xét và đưa ra nhận định về những nguy cơ gây nguy hiểm. Tăng cường khuyến khích trẻ đặt ra câu hỏi, khuyến khích trẻ suy diễn khi quan sát, quan sát một cách tỉ mỉ, chu đáo để có thể nhận ra dấu hiệu thay đổi bất thường, những dấu hiệu có nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân.
- Hoạt động ngoài trời luôn có mục đích cụ thể và gắn với đối tượng, phương tiện cụ thể nhằm rèn luyện các kĩ năng vận động cũng như kĩ năng nhận thức. Vì vậy, có thể cung cấp kiến thức về những nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ trên từng đối tượng cụ thể, có mục đích cụ thể, rèn luyện được từng KNTBV cho trẻ với những đối tượng cụ thể cùng với những kĩ năng phối hợp vận động cụ thể để phòng tránh các nguy cơ gây nguy hiểm. Do đó, hoạt động ngoài trời có vai trò to lớn trong việc hình thành kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi ở trường mầm non.
- HĐNT chứa đựng nhiều tình huống tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm, từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc, đòi hỏi trẻ phải biết xử lý một cách an toàn. Đó là những tình huống thực tiễn trong trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và rèn luyện được kĩ năng tự bảo vệ một cách phù hợp với lứa tuổi của mình như: kẹt tay cánh cửa, dẫm phải mảnh thủy tinh vỡ trên đường đi, côn trùng đốt, hành động chơi không an toàn, thời tiết thay đổi đột ngột (nắng to, mưa rào, gió mùa…). Có nhiều trẻ rất thích thú lội nước khi trời mưa trong khi dưới làn nước đục ngầu kia có rất nhiều nguy hiểm rình rập: có thể bị kim tiêm, mảnh sành, mảnh kính đâm phải hay ngã vào cống nước, hố ga, v.v...
Vì vậy cần phải tổ chức hoạt động ngoài trời để tạo cơ hội cũng như tận dụng mọi cơ hội cho trẻ trải nghiệm các tình huống nhất là các tình huống bất lợi cho bản thân và thông qua đó hình thành kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ.
- HĐNT diễn ra hàng ngày trong chế độ sinh hoạt của trẻ chính vì thế mà các kĩ năng tự bảo vệ sẽ được rèn luyện hàng ngày, sẽ giúp kĩ năng tự bảo vệ của trẻ được hình thành, củng cố thường xuyên. Việc lặp đi lặp lại một cách thường xuyên giúp cho việc hình thành kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ trở nên bền vững.
- HĐNT diễn ra ở ngoài môi trường thiên nhiên cùng với những hoạt động vui chơi giúp cho trẻ hứng thú và hứng thú bền vững trong việc rèn luyện các kĩ năng tự bảo vệ. Hình thành kĩ năng tự bảo vệ thông qua HĐNT giúp cho trẻ thỏa mãn nhu cầu vui chơi và nhu cầu nhận thức của trẻ giúp trẻ dễ dàng lĩnh hội và rèn luyện các kĩ năng tự bảo vệ một cách nhẹ nhàng và thoải mái, vì vậy nó phát huy tính tích cực chủ động trong việc tiếp nhận giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ.
Các trò chơi và những tình huống xảy ra trong khi trẻ chơi cũng là phương tiện hữu hiệu nhất để rèn luyện cho trẻ kĩ năng tự bảo vệ. Chính vì thế mà cô giáo cần nắm bắt cơ hội này và chú ý quan sát để tận dụng mọi tình huống trong khi chơi để giáo dục kĩ năng tự bảo vệ cho trẻ.