- Chỉ số chứng khoán Việt Nam (VNIndex):
2.1.1. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN MỸ
TTCK Mỹ có lịch sử phát triển rất lâu đời và hiện có quy mô, trình độ phát triển bậc nhất trên thế giới. TTCK Mỹ có hệ thống luật pháp về chứng khoán và TTCK, có cơ chế hoạt động và hình thức quản lý hoàn chỉnh nhất hiện nay. TTCK Mỹ có tới 14 SGDCK, như SGDCK New York, SGDCK Mỹ, SGDCK Trung Tây ở Chicago…, trong đó SGDCK New York là trung tâm giao dịch lớn nhất. chiếm tới 15% các nghiệp vụ giao dịch chứng khoán của toàn nước Mỹ. Trong các SGDCK của Mỹ có cả những giao dịch không tập trung (OTC), không có đăng ký chính thức ở bất kỳ thị trường nào nhưng vẫn tuân thủ theo các nguyên tắc giao dịch chứng khoán thông thường để hình thành nên một tổ chức rất lớn trên TTCK, gọi là Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh chứng khoán (NASD). So với các nước tư bản có nền kinh tế phát triển hiện nay thì TTCK Mỹ là thị trường chứng khoán quan trọng nhất trên thế giới và có ảnh hưởng rất lớn đối với các TTCK khác. [36]
Ở Mỹ, thời kỳ đầu Nhà nước không can thiệp và không tham gia trực tiếp vào quá trình hình thành ban đầu của TTCK. Vai trò của Nhà nước chỉ hạn chế thông qua việc huy động các phương tiện tài chính phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội. Sau cuộc Cách mạng năm 1776, nước Mỹ đã không đủ tiền để khôi phục lại nền kinh tế đất nước. Chính phủ Mỹ đã phát hành trái phiếu chính phủ để bán cho công chúng. Điều này đã ảnh hưởng và thúc đẩy sự ra đời của các SGDCK ở Mỹ. Năm 1792, 24 nhà tài chính hoạt động trong
lĩnh vực mua bán chứng khoán đã nhóm họp tại phố Wall (Wall Street) để thông qua những thỏa thuận về kinh doanh chứng khoán. Đây là tổ chức tiền thân của SGDCK New York ngày nay. Vào thời kỳ đó, tại đây người ta đã niêm yết giá cả của các chứng khoán và các danh mục giá cả hàng hóa phục vụ việc kinh doanh thương mại. Sau đó, hàng loạt các SGDCK đã được thành lập ở các trung tâm tài chính của Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Châu Úc và ở các khu vực khác.
Khi UBCK chưa được thành lập, TTCK Mỹ đã xảy ra khủng hoảng do việc phát hành bừa bãi chứng khoán trên thị trường sơ cấp. Lịch sử ghi lại cơn sốt vàng ở California (1884) đã dẫn đến khủng hoảng TTCK. Vì vào thời điểm này, bất kỳ người nào công bố rằng họ có mỏ vàng thì đều có thể phát hành chứng khoán một cách bừa bãi (ngay cả trong những trường hợp không ai biết rõ rằng ở những nơi đó có vàng hay không). Còn công chúng thì ai cũng muốn giàu lên nhanh chóng nhờ việc mua chứng khoán do các chủ mỏ vàng phát hành, người ta tranh nhau và tìm cách mua thật nhiều chứng khoán này. “Bong bóng” chứng khoán nhanh chóng vỡ tung và sự khủng hoảng đã làm cho hầu hết các sở giao dịch vốn ở Mỹ phải đóng cửa. [7, tr.37]
Kể từ khi chủ nghĩa tư bản ở Mỹ bước sang giai đoạn độc quyền nhà nước (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) đến nay, TTCK Mỹ phát triển dưới sự điều khiển bởi nhà nước. Đồng thời, TTCK Mỹ cũng đã phát triển từ hình thức giản đơn đến hình thức phức tạp (thị trường giao dịch tập trung, thị trường giao dịch không tập trung).
Bên cạnh hệ thống luật pháp chung, Mỹ đã ban hành Luật chứng khoán (1933) và Luật giao dịch chứng khoán (1934). Luật chứng khoán 1933 quy định về việc phát hành và đăng ký phát hành, còn Luật giao dịch chứng khoán 1934 điều chỉnh việc mua bán chứng khoán đã được phát hành trên thị trường
sơ cấp. Luật này quy định chế độ đăng ký, báo cáo đối với các SGD, các công ty môi giới chứng khoán cũng như các quy định chống đầu cơ, mua bán nội gián. Hệ thống luật của Mỹ về lĩnh vực chứng khoán được coi là khá bài bản và được nhiều nước dựa vào để xây dựng bộ luật riêng phù hợp với thực trạng của nước mình. Ngoài ra, Mỹ còn có các luật khác hỗ trợ cho việc quản lý TTCK như: Luật công ty đầu tư (ban hành 1940). Luật bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (ban hành 1970), Luật tín thác …
Uỷ ban chứng khoán (SEC) là cơ quan độc lập có quyền lực cao nhất trong việc quản lý TTCK Mỹ. Mô hình tổ chức và địa vị pháp lý của SEC như một bộ trong Chính phủ Mỹ. Hiện nay, SEC là một Ủy ban tương đối độc lập với Chính phủ. Ban lãnh đạo của SEC gồm có 5 thành viên do Tổng thống Mỹ chỉ định trên cơ sở tham khảo ý kiến và được sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ thông qua bỏ phiếu tín nhiệm. Chức năng chính của SEC là ban hành các quy chế, quy định, thể lệ liên quan đến hoạt động của TTCK; SEC có quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát và truy tố các tổ chức kinh doanh chứng khoán vi phạm pháp luật; quản lý, cấp hoặc thu hồi giấy phép đối với các SGDCK, công ty môi giới, nhà giao dịch, công ty đầu tư… Ngoài ra, SEC còn tư vấn cho các tòa án liên bang trong quá trình tái cơ cấu công ty theo đạo luật về cải cách và phá sản. Các cuộc họp của Ủy ban được đưa tin trực tiếp trên các phương tiện truyền thông để công chúng có thể theo dõi công khai. Việc tập trung quyền hành quản lý, giám sát TTCK vào một tổ chức duy nhất đã tạo được sự thống nhất trong quản lý và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Mô hình tổ chức và quản lý TTCK ở Mỹ được phân chia làm 2 cấp, đó là cấp quản lý nhà nước được thể hiện tập trung qua vai trò của SEC và cấp các tổ chức tự quản. Các tổ chức tự quản ở Mỹ rất phát triển, bao gồm các SGDCK, SGD hợp đồng tương lai, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh chứng khoán (NASD). NASD là một tổ chức tự quản của thị trường OTC.
NASD ban hành các nguyên tắc và luật lệ cho tất cả các hoạt động giao dịch và tạo dựng thị trường trên TTCK OTC. Để hỗ trợ cho tất cả các giao dịch OTC, NASD cung cấp một hệ thống máy tính kết nối giữa các nhà môi giới kinh doanh. Họ được đề cao vai trò tự quản, song vai trò quản lý vĩ mô của SEC vẫn rất quan trọng nhằm tạo ra sự phát triển bền vững của TTCK. [25,tr.43]
Gần đây, cơ quan quản lý TTCK Mỹ đã phát hiện các gian lận trong báo cáo tài chính của một số công ty trên TTCK như: Enron, World Com,… Vì vậy, ngày 30-7-2002, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật Sarbanes- Oxley để tăng cường trách nhiệm của các công ty, mở rộng công khai tài chính, đẩy mạnh việc chống lại những gian lận kế toán của các công ty và giám sát chặt chẽ các tổ chức kiểm toán. [1, tr.8]
Có thể nhận thấy rằng TTCK Mỹ được UBCK Mỹ quản lý, giám sát dựa trên một bộ khung pháp luật công bằng, nghiêm minh và minh bạch. Tuy ra đời sau một số TTCK ở châu Âu nhưng với yếu tố quản lý chuyên nghiệp và kiểm soát chặt chẽ, TTCK Mỹ đã vươn lên ở vị trí dẫn đầu.