- Chỉ số chứng khoán Việt Nam (VNIndex):
3.1.2. VAI TRÒ CỦA NHÀN ƯỚC ĐỐI VỚI SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TTCK VIỆT NAM
TRIỂN TTCK VIỆT NAM
Ở Việt Nam, sau khi chuyển nền kinh tế sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thì việc hình thành và phát triển TTCK trở thành nhiệm vụ cấp bách và là một tất yếu khách quan đối với kinh tế Việt Nam. Do đó, Nhà nước đã tạo lập các tiền đề cần thiết cho sự ra đời của TTCK Việt Nam.
Để chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang vận hành theo cơ chế thị trường, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành cải cách hệ thống tài chính, tiền tệ, tạo lập một hệ thống đồng bộ các chính sách để kiềm chế lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, ngăn ngừa sự bất ổn của hệ thống tài chính, tiền tệ. Trong nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trở thành tiền đề khách quan hàng đầu cho sự ra đời và hoạt động của TTCK.
Khi mới bắt đầu tiến hành quá trình đổi mới kinh tế, Việt Nam đã vấp phải một cuộc khủng hoảng tín dụng, đó là sự đổ vỡ của hệ thống tín dụng nhân dân (1989-1991). Sau đó, cả nước lâm vào khủng hoảng kinh tế với tỷ lệ lạm phát rất cao ở mức 3 con số, đến cuối năm 1994, lạm phát vẫn còn ở mức 14,3% so với cùng thời kỳ của năm 1993. Vì vậy, việc củng cố lại hệ thống tín dụng ngân hàng trở thành bức thiết để tạo tiền đề cho sự ra đời của TTCK. Sự đổi mới trong hệ thống ngân hàng đã được tiến hành theo hướng xây dựng ngân hàng thành một hệ thống hai cấp theo thông lệ quốc tế, trong đó hệ thống tín dụng đã thực hiện được chức năng huy động được nguồn vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế, từ đó tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam chưa từng có TTCK trong lịch sử nên việc tạo lập các tiền đề cho sự ra đời của TTCK Việt Nam được “đặt lên vai” Nhà nước. Nhà nước ở đây là “bà
đỡ” cho một thể chế kinh tế tài chính mới, thể chế tài chính bậc cao, đó là TTCK được ra đời và phát triển. Ngoài ra, TTCK không thể ra đời một khi các thị trường nền tảng hỗ trợ tương ứng cho nó như các thị trường yếu tố đầu vào (thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường tiền tệ, v.v.) và các chủ thể thị trường (doanh nghiệp, nhất là công ty cổ phần, nhà đầu tư, công chúng, v.v.), các định chế tài chính (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, v.v.) vẫn chưa được xác lập hoặc hoạt động không có hiệu quả. Việc hoàn thiện đồng bộ các loại hình thị trường, tạo lập các chủ thể thị trường có năng lực cạnh tranh cao và tạo điều kiện đầy đủ để nó phát hành các chủng loại hàng hóa chứng khoán đa dạng và hấp dẫn trở thành tiền đề tiên quyết cho sự ra đời của TTCK Việt Nam.
Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích đa dạng hóa quan hệ sở hữu, hình thành các công ty cổ phần, từ đó tăng nguồn cung về hàng hóa chứng khoán. Do đó, cổ phần hóa ở nước ta là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không những tạo lập tiền đề để hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn tạo ra nguồn cung ổn định để phát triển TTCK. Để triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa, Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản pháp quy như Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16-11-2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24-8-2004 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước, Chỉ thị số 04/2005/CT-TTg ngày 17-3-2005 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh vững chắc cổ phần hóa công ty nhà nước, Quyết định 1729/2006/QĐ-TTg ngày 29-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2007-2010,…
Sự ra đời và hoàn thiện các khung khổ pháp lý tạo ra môi trường pháp luật cho sự ra đời và vận hành của TTCK Việt Nam. Các chương trình nghiên cứu về TTCK đã được Chính phủ xúc tiến từ rất sớm, vào những năm 1993- 1994. Đến năm 1996, Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã chỉ rõ
“Phát triển thị trường vốn bằng nhiều hình thức thu hút tiền gửi trung dài hạn qua ngân hàng và các công ty tài chính để cho vay đầu tư phát triển. Mở
rộng việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu và xúc tiến chuẩn bị về thể chế, cán bộ và các điều kiện cần thiết cho việc thiết lập TTCK và bảo đảm sự hoạt
động lành mạnh của thị trường này”. [5, tr.31]
Sau quá trình chuẩn bị những tiền đề cơ bản trên, Đảng và Chính phủ ta đã quyết định thành lập một cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, đó là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, được thành lập ngày 28/11/1996. Đây là cơ quan trực thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK. Chủ trương này phù hợp với điều kiện xây dựng và phát triển TTCK ở Việt Nam vì nó vừa tạo lập tiền đề cho sự ra đời, vừa khắc phục được những khiếm khuyết trong hoạt động của TTCK như một số nước đã gặp phải. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhanh chóng tổ chức triển khai hàng loạt công việc nhằm sớm hình thành TTCK và sau hơn 3 năm, những nỗ lực đó đã cho ra đời TTCK và phát triển như hiện nay.
Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo, tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự vận hành của TTCK Việt Nam. Thay mặt Nhà nước, UBCKNN đã đảm nhiệm vai trò chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tổ chức để TTCK sớm ra đời và vận hành có hiệu quả. UBCKNN đã xây dựng đề án tổ chức cho các chủ thể kinh tế gia nhập TTCK và quản lý sự vận hành các cơ cấu tài chính trung gian như: công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các tổ chức lưu ký chứng khoán… Để hiện thực hóa các đề án, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ
với Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại, các tổ chức bảo hiểm… để quá trình này diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động của TTCK cũng là một nhân tố quan trọng để thị trường vận động trôi chảy. Vấn đề ở đây không chỉ là đào tạo nguồn nhân lực để điều hành hoạt động của TTCK, mà còn là phổ cập các kiến thức về chứng khoán cho các nhà đầu tư để họ tự tin khi tham gia vào TTCK. UBCKNN đã sớm thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng nghiệp vụ về chứng khoán và TTCK (SRTC) vào năm 1997 với nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo chuyên gia, phổ cập tri thức kinh doanh về chứng khoán. UBCKNN đã kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, đài phát thanh, Báo Đầu tư chứng khoán để cung cấp những kiến thức về kinh doanh chứng khoán cho hàng triệu người, những chủ thể tiềm năng của thị trường sau này.
Những vấn đề liên quan đến TTCK, trong đó những quy định về đăng ký, lưu ký, công khai và minh bạch, giám sát và kiểm tra của các cơ quan chức năng quản lý hoạt động của TTCK từng bước được hoàn thiện. Đáng chú ý là Chính phủ đã chỉ đạo việc phối hợp giữa Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường kiểm soát TTCK ở nước ta.
Đảng và Nhà nước ta đã tạo lập các mối liên hệ quốc tế, chủ động hội nhập TTCK của Việt Nam vào thị trường tài chính toàn cầu. Lịch sử phát triển TTCK Việt Nam cho thấy sự liên thông với thị trường tài chính quốc tế và được sự hỗ trợ quốc tế ngay từ thời gian chuẩn bị là nét đặc thù trong sự phát triển của ngành chứng khoán Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, quá trình chuẩn bị xây dựng TTCK đã có sự liên kết quốc tế từ rất sớm. Nhờ đó, UBCKNN đã thiết lập mối liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh chứng khoán ở các TTCK như: Trung Quốc, Mỹ, Pháp,
Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, v.v. và một số tổ chức quốc tế như: Công ty Tài chính Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và đã nhận được từ đó những sự hỗ trợ tích cực, cả về phương diện vật chất, kỹ thuật, tổ chức lẫn đào tạo nhân lực, cung cấp tri thức và kinh nghiệm. Sự liên kết này đã tạo điều kiện để TTCK Việt Nam có thể nối mạng kinh doanh chứng khoán giữa các thị trường liên quốc gia.
Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước với vai trò tạo dựng các yếu tố cần thiết, chỉ đạo và điều hành nêu trên đã đưa đến sự ra đời, phát triển và bước đầu hội nhập thành công của TTCK Việt Nam.
Những thành công đó thể hiện ở các mặt chủ yếu sau đây:
* TTCK Việt Nam ra đời là bước cụ thể hóa các tư tưởng của Đảng và chính sách của Nhà nước về tạo lập và đồng bộ hóa thể chế thị trường, trong đó có thị trường vốn để phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
* TTCK Việt Nam ra đời và phát triển đã giúp cho Chính phủ, doanh nghiệp huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh và các nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển tốt hơn. Thông qua đó cải thiện cơ cấu hệ thống tài chính, làm cho nền kinh tế bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
* Các nguyên tắc hoạt động của TTCK Việt Nam tạo ra cơ chế kinh tế lành mạnh bởi yêu cầu công khai, minh bạch. Các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán nói riêng cũng như các công ty đại chúng nói chung phải thực hiện kiểm toán, công bố thông tin, quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Do đó, một khi TTCK phát triển sẽ góp phần làm cho nền kinh tế trở nên minh bạch và dễ dang hội nhập quốc tế hơn.
* Việc ra đời và phát triển TTCK Việt Nam góp phần cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động
của doanh nghiệp thông qua việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và chuyển đổi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành công ty cổ phần.
* TTCK Việt Nam đã tạo ra một kênh thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) từ nước ngoài vào nền kinh tế và cũng là kênh giúp các nhà đầu tư trong nước vươn ra thị trường tài chính quốc tế để tìm phương án đầu tư hiệu quả hơn.