Nội dung quản trị chuỗi cung ứng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản trị chuỗi cung ứng trong hệ thống nhà hàng buffet nướng lẩu SeasonBBQ (Trang 25 - 27)

1.2. Cơ sở lý luận về công tác quản trị chuỗi cung ứng

1.2.3. Nội dung quản trị chuỗi cung ứng

Theo mô hình tiến sĩ Nguyễn Kim Anh đưa ra trong cuốn sách “Quản trị chuỗi cung ứng” (NXB đại học mở TP Hồ Chí Mính, 2006), có 5 tác nhân thúc đẩy chính tới hoạt động quản trị chuỗi cung ứng là do sản xuất, tồn kho, địa điểm và thông tin. Dựa trên 5 tác nhân này, tác giả đưa ra 6 nội dung của công tác quản trị chuỗi cung ứng như sau:

Một là, công tác lập kế hoạch: Kế hoạch là một phần quan trọng và là phần khởi đầu của một chuỗi cung ứng bất kỳ trong doanh nghiệp. Để các hoạt động tiếp theo trong chuỗi cung ứng có thể hoạt động trôi chảy và xuyên suốt, yêu cầu ngay từ khâu lập kế hoạt phải đảm bảo tính chính xác và khoa học.

Kế hoạch chính là cơ sở để các nhà quản trị chuỗi cung ứng cân đối nhu cầu nguyên vật liệu, lập kế hoạch sản xuất tối ưu hóa giá trị cho toàn

chuỗi chi phí thấp nhất, chất lượng sản phẩm cao nhất và thời gian giao hàng nhanh nhất.

Công tác lập kế hoạch trong một doanh nghiệp sản xuất bất kỳ bao gồm 2 phần là lập kế hoạch nhu cầu và lập kế hoạch sản xuất.

Lập kế hoạch nhu cầu: cho phép doanh nghiệp biết được nhu cầu của thị trường (khách hàng) trong một giai đoạn nhất định, thông thường từ 6 tháng đến 1 năm. Việc lập kế hoạch nhu cầu sẽ giúp doanh nghiệp dự báo trước được số lượng sản phẩm sẽ được sản xuất và tiêu thụ trong tương lai, đây là cơ sở quan trọng để lập kế hoạch nhu cầu nguyên vật liệu trong tương lai. Kế hoạch về nhu cầu được xác định dựa trên các thông tin thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau như bộ phận khách hàng, bộ phận nghiên cứu thị trường. Các bộ phận này sẽ cung cấp cho các nhà quản trị các thông tin về nhu cầu thị trường, về thị hiếu khách hàng, về các xu hướng tiêu dùng trong tương lai.

Lập kế hoạch sản xuất: Sau khi dự báo được nhu cầu sản phẩm tiêu thụ trong tương lai, công tác lập kế hoạch sản xuất sẽ được thực hiện để đảm bảo sản xuất đủ số lượng và chất lượng hàng hóa theo yêu cầu với giá thành thấp nhất và thời gian thực hiện ngắn nhất. Để kế hoạch sản xuất thực hiện hiệu quả, yêu cầu các nhà quản lý phải thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi ngoài dự kiến để có sự điều chỉnh phù hợp.

Hai là, cung ứng nguyên vật liệu: Cung ứng nguyên vật liệu là khâu đảm nhận nhiệm vụ cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất theo đúng yêu cầu về số lượng và chất lượng của khách hàng. Cung ứng nguyên vật liệu thực hiện 2 nhiệm vụ chính là lựa chọn nhà cung ứng và quản lý kho nguyên vật liệu.

Lựa chọn nhà cung ứng: là nội dung hết sức quan trọng đảm bảo hiệu quả quản trị của một chuỗi cung ứng. Một nhà cung ứng tốt là một nhà cung

ứng có thể đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng, giá cả nguyên vật liệu, thời gian giao hàng và thanh toán, các khoản tín dụng thương mại.

Quản lý lưu kho nguyên vật liệu: Nguyên vật liệu khi nhập về được lưu kho để chờ phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Yêu cầu nguyên vật liệu nhập kho phải đúng hạn, đúng số lượng và chất lượng, cần phải có những công cụ dự báo để đảm bảo số lượng nguyên vật liệu tồn kho và tối ưu, tránh gây lãng phí hư hỏng và mất mát.

Ba là, sản xuất: Sản xuất là việc tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, để hoạt động sản xuất được diễn ra trôi chảy thì yêu cầu công tác lập kế hoạch sản xuất phải được thực hiện tỉ mỉ và chính xác dựa trên sự cân đối các nguồn lực, máy móc, công suất nhà xưởng, tính sẵn sàng của nguyên vật liệu.

Bốn là, giao hàng: Hoạt động giao hàng phụ thuộc nhiều và năng lực vận tải của công ty cũng như hệ thống kênh phân phối, nếu công ty không có đủ năng lực vận tải sẽ phải thực hiện thuê ngoài với bên thứ ba là các công ty chuyên cung cấp dịch vụ logistics.

Năm là, tối ưu hóa tổ chức: Tối ưu hóa tổ chức trong doanh nghiệp chính là việc sử dụng các công cụ quản lý hỗ trợ các hoạt động của công ty nhằm đạt được mức chi phí tối ưu về hoạt động và tài chính.

Sáu là, dịch vụ khách hàng: Suy cho cùng, mục tiêu của mọi doanh nghiệp là đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Để làm được điều này, các nhà quản trị chuỗi cung ứng cần tăng cường mối quan tâm hơn nữa tới việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua các dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng để giữ chân được các khách hàng cũ và lôi kéo được các khách hàng mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản trị chuỗi cung ứng trong hệ thống nhà hàng buffet nướng lẩu SeasonBBQ (Trang 25 - 27)