7. Kết cấu của Luận văn
2.1. Thực trạng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hộ gia
2.1.2. Mức đóng và và tài chính thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình
Theo nguyên tắc đã quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì: Mức đóng BHYT của đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Mức phí tham gia BHYT hộ gia đình năm 2018 cho hộ gia đình đối với các thành viên cụ thể như sau:
+ Phí đóng BHYT hộ gia đình người thứ nhất là 702.000 đồng/năm; + Phí mua BHYT hộ gia đình người thứ hai là 492.000 đồng/năm; + Phí mua BHYT hộ gia đình người thứ ba là 422.000 đồng/năm; + Phí mua BHYT hộ gia đình người thứ tư là 351.000 đồng/ năm; + Phí mua BHYT hộ gia đình người thứ năm trở lên 281.000 đồng/năm Tương tự với những thành viên tiếp theo của những gia đình có nhân khẩu nhiều người hơn.
Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ có thay đổi.
+ Người thứ nhất: 67.050 đồng/tháng; 1 năm là: 804.600 đồng. + Người thứ 2: 46.935 đồng/tháng; 1 năm là: 563.220 đồng. + Người thứ 3: 40.230 đồng/tháng; 1 năm là: 482.760 đồng. + Người thứ 4: 33.525 đồng/tháng; 1 năm là: 405.300 đồng.
+ Từ người thứ 5 trở đi: 26.820 đồng/tháng; 1 năm là: 321.840 đồng. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 12/2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Trong đó, quyết nghị nội dung “Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020”. Theo thông lệ hàng năm thì sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo đúng nội dung đã được Quốc hội quyết nghị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Quốc hội quyết định chưa tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2020 cho đến khi có thông báo mới. Như vậy, hiện tại mức lương cơ sở được áp dụng vẫn là 1.490.000 đồng, do đó, chưa có sự thay đổi về mức đóng BHYT hộ gia đình.
Về phương thức đóng BHYT hộ gia đình, theo quy định tại Khoản 7 Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người tham gia BHYT hộ gia đình có thể lựa chọn phương thức đóng định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng. Người đóng tiền BHYT hộ gia đình là đại diện hộ gia đình hoặc thành viên hộ gia đình.
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đến từ Viện khoa học Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa bàn 07 tỉnh, thành phố (với tổng mẫu điều tra là 2.576 phiếu)bao gồm: Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Tây
Ninh, Phú Yên, Gia Lai, đại diện cho 07 vùng kinh tế trong cả nước thì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT hộ gia đình, trong đó chủ yếu là do tài chính của hộ gia đình. Cụ thể [9]:
- Đối với hộ gia đình chưa tham gia BHYT:
Nguồn thu nhập của hộ gia đình: Trong số 1.840 hộ gia đình được khảo sát thì có 1.069 đại diện hộ gia đình, chiếm 63.63% có nguồn thu nhập từ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Có 1.312 hộ gia đình (78.6%) có thu nhập bình quân dưới 5 triệu đồng/tháng, trong đó hộ gia đình có thu nhập bình quân dưới 3 triệu đồng/tháng là 566 hộ (33.7%). Phân tích thông tin về nguồn thu nhập và mức thu nhập cho thấy, đa số các hộ gia đình có nguồn thu nhập từ nông nghiệp có mức thu nhập bình quân khá thấp. Mặc dù thu nhập thấp nhưng lại chưa đạt ngưỡng chuẩn cận nghèo do đó nhóm hộ gia đình thu nhập thấp này không được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.
Về khả năng tham gia BHYT của hộ gia đình: Có 1.018 hộ gia đình (60.6%) cho rằng có khả năng tham gia BHYT, số không có khả năng tham gia là 39.4%. Trong đó, lý do chính không tham gia BHYT hộ gia đình được khảo sát chủ yếu là không có tiền để tham gia (chiếm 51.2%); có 54% đại diện hộ gia đình cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là cao.
Khảo sát về nguyên nhân không tiếp tục tham gia BHYT cho thấy có 29.57% cho rằng khó khăn về kinh tế, trên 43% cho rằng thẻ BHYT sử dụng không hiệu quả, trong đó có 28.39% cho rằng không cần thiết do ốm nhẹ tự mua thuốc, 15.04% ý kiến là chưa đi khám, chữa bệnh lần nào.
Tham khảo về những khó khăn khi tham gia BHYT hộ gia đình thì nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn cơ bản là yêu cầu phải tham gia cho tất cả thành viên trong hộ gia đình, hộ gia đình có thu nhập thấp chưa được hỗ trợ mức đóng như đối với hộ cận nghèo, hồ sơ đăng ký tham gia còn phức tạp,
đại lý ở xa hoặc tập hợp nhiều người mới làm thủ tục đăng ký một lần, việc đại lý trả thẻ BHYT chưa đúng hạn còn xảy ra.
Khảo sát mong muốn của người dân về BHYT cho thấy đại diện các hộ gia đình chưa tham gia BHYT mong muốn có sự điều chỉnh chính sách theo hướng giảm chi phí cho người tham gia, trong đó 17,6% mong muốn giảm mức đóng cho người thu nhập thấp, 17,5% mong muốn được giảm mức đóng cho khu vực nông thôn, 12,3% mong muốn có chính sách ưu đãi cho những hộ gia đình tham gia nhiều năm. Về tổ chức thực hiện, thì mong muốn chiếm tỷ trọng cao nhất là việc đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT chiếm 17.1%, bên cạnh đó cũng có 14.8% đối tượng khảo sát mong muốn tuyên truyền về BHYT được mở rộng.
- Đối với hộ gia đình đã tham gia BHYT:
Tỷ lệ hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ gần 60% số hộ tham gia khảo sát, trong đó hộ gia đình làm nông nghiệp chiếm tới 54.4% thấp hơn so với đối tượng khảo sát là hộ chưa tham gia BHYT là 62.2%. Ngược lại, tỷ lệ hộ gia đình buôn bán nhỏ đã tham gia BHYT (20%) thì lại cao hơn so với hộ gia đình buôn bán nhỏ chưa tham gia BHYT(16%).
Các hộ gia đình có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng là 63.8%, các hộ gia đình có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên là 36.2%. Các hộ gia đình có thu nhập bình quân dưới 5 triệu đồng/tháng chủ yếu là làm nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó hộ gia đình làm nông nghiệp chiếm tới 66.23%, trong khi đó tỷ lệ này ở đối tượng khảo sát là hộ gia đình chưa tham gia BHYT là 68.28%. Khảo sát thêm về mức độ cân đối chi tiêu trong hộ gia đình thì đa phần (78.3%) cho rẳng đủ chi tiêu, 15.6% hộ gia đình khó khăn, 2.3% hộ gia đình rất khó khăn.
Phần lớn ý kiến (59.8%) cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là trung bình và 37.8% hộ gia đình cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là
cao. Trong khi đó, chỉ có 44% hộ gia đình chưa tham gia BHYT cho rằng mức đóng BHYT là trung bình và 54.1% cho rằng mức đóng là cao.
Trong tổng số 61 ý kiến về việc không tiếp tục tham gia BHYT trong năm tiếp theo, trong đó có 29 ý kiến tương ứng 47.5% cho rằng không có đủ tiền để tham gia, 18% cho rằng ốm nhẹ, tự mua thuốc.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn cho công tác phát triển đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT là tình trạng di cư, di cư tạm thời thực tế của người dân trong các địa phương vệ tinh của các tỉnh, thành trung tâm ngày càng tăng lên. Ngày càng có nhiều người dân tại khu vực nông thôn ra thị xã, thành phố sinh sống và làm việc nhưng họ lại ít quan tâm đến việc thực hiện các thủ tục khai báo, thay đổi hộ tịch. Nhiều trường hợp đã chuyển đi nơi khác nhưng lại không chuyển đăng ký thường trú, không thực hiện thủ tục khai báo tạm trú. Trong khi đó, BHYT hộ gia đình lại dựa vào sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú của người dân. Ngoài ra, một bộ phận dân cư không có thói quen thực hiện các thủ tục hành chính, khai báo khi có thay đổi về hộ tịch, thực hiện chia, tách khẩu theo thực tế. Có những gia đình giữ nguyên hộ khẩu rất đông thành viên, thậm chí 3-4 thế hệ nhưng thực tế có những người đã kết hôn, có gia đình riêng và chuyển đi nơi khác sinh sống mà không tách khẩu. Những hạn chế trong công tác quản lý hộ tịch này cũng ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT. Nhìn chung những người đăng ký tạm trú ít có sự gắn bó với địa phương nơi sinh sống, ít quan tâm đến các dịch vụ công nơi mình sinh sống.
Hiện nay, Chính phủ sử dụng nguồn thuế để trợ cấp những nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và người già trên 80 tuồi. Việc sử dụng nguồn quỹ một cách công bằng và hiệu quả thông qua một phương án chi trả có tính chiến lược. Chi trả từ tiền túi cho dịch vụ y tế đã có giảm nhưng vẫn còn cao và được tính vào khoảng 41% tổn chi tiêu y tế (2018) [16].