Nguyên tắc công bằng

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 29 - 30)

1.2. Các nguyên tắc quyết định hình phạt đối với các tội xâm

1.2.3. Nguyên tắc công bằng

Nguyên tắc công bằng đã góp phần cụ thể hóa nguyên tắc hiến định của Hiến pháp năm 2013 (các khoản 1, 2 Điều 31), nó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại về sự công bằng của pháp luật đã có từ thời đại xa xưa với câu ngạn ngữ “Pháp luật là nghệ thuật của sự thật và công lý”. Như vậy, nguyên tắc công bằng trong QĐHP đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt đòi hỏi hình phạt được tuyên phải phản ánh một cách đúng đắn dư luận xã hội, ý thức, pháp luật và đạo đức xã hội, phải có sức thuyết phục mọi người ở tính đúng đắn, tính công bằng trong chính sách xét xử của nhà nước ta.

Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là: Thứ nhất, hình phạt, các biện pháp tư pháp và các chế định pháp lý hình sự khác được áp dụng đối với chủ thể phạm tội phải phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm đã thực hiện, động cơ và mục đích phạm tội, mức độ lỗi, cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội và hậu quả gây ra bởi hành vi phạm tội của chủ thể đó.

Thứ hai, không một người phạm tội nào phải chịu TNHS 02 lần về cùng một tội phạm. Thứ ba, trong BLHS có các quy định đảm bảo cho Tòa án có thể lựa chọn loại và mức hình phạt phù hợp hơn cả đối với người phạm tội căn cứ vào các tình tiết cụ thể của từng trường hợp thực hiện tội phạm.

Khi xem xét QĐHP đối với người phạm tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, những người tiến hành tố tụng chỉ được xem xét các chế tài hình sự được quy định trong các điều luật cụ thể từ Điều 168 đến Điều 175 BLHS để áp dụng đối với người có hành vi phạm tội theo nguyên tắc: hình phạt được áp dụng không chỉ công bằng giữa hành vi phạm tội và tính chất, mức độ gây thiệt hại hoặc giá trị chiếm đoạt do hành vi phạm tội gây ra mà còn công bằng giữa những người có hành vi phạm tội gây hậu quả thiệt hại có mức độ lớn - nhỏ khác nhau. Người phạm tội có hành vi gây hậu quả thiệt hại càng lớn thì hình phạt áp dụng đối với họ cũng phải phải lớn so với những người gây thiệt hại nhỏ hơn. Ví dụ: Hai người phạm tội cướp tài sản, một người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 150.000.000 đồng và một người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 200.000.000 đồng trong điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân người phạm tội là như nhau. Thì nguyên tắc công bằng biểu hiện ở chỗ người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 200.000.000 đồng sẽ bị xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 168 BLHS với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, trong khi người chiếm đoạt tài sản trị giá 150.000.000 đồng chỉ bị xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 168 BLHS với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Như vậy, đương nhiên hình phạt áp dụng cho người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 200.000.000 đồng sẽ cao hơn người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 150.000.000 đồng. Nguyên tắc công bằng trong trường hợp này được thể hiện ngay từ việc xác định khung, khoản của điều luật cho tới chế tài và mức hình phạt cụ thể.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 29 - 30)