Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 83 - 86)

3.1. Các yêu cầu bảo đảm quyết định hình phạt đúng đối vớ

3.1.3.Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

TAND các cấp trên địa bàn TP. Hải Phòng phải chủ động nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của ngành TAND, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chủ động triển khai trong công tác, chú trọng vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành mình, trong đó xét xử và QĐHP là hoạt động cốt lõi.

Trong bối cảnh công tác tư pháp đã và đang được cải cách tích cực, từng bước mang lại sự đổi thay rõ rệt. Yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của nhà nước và cá nhân cũng là một trong những nội dung được quan tâm trong quá trình cải cách. Do đó, đấu tranh với các tội phạm xâm phạm sở hữu có tính

chất chiếm đoạt thông qua kết quả hoạt động xét xử và QĐHP cũng là đóng góp của ngành Tòa án nhân dân vào tiến trình cải cách tư pháp của đất nước.

Năm 2013 Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp mới. Đây là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng chi phối đời sống pháp lý của toàn thể người dân, toàn thể các mặt tồn tại của xã hội. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới vào năm 2014, trong đó vai trò và trách nhiệm của Tòa án nói chung, của các thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không ngừng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 đó là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao” [4].

Về pháp luật hình sự cũng đã được cải cách tại lần pháp điển hóa thứ ba BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, các quy phạm của chế định QĐHP đã có những điểm mới và lần đầu tiên được nhà làm luật điều chỉnh về mặt lập pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án khi QĐHP. Thể hiện xu hướng nhân đạo hơn nữa pháp luật hình sự Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Đảng “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Đó là mở rộng hơn nữa việc áp dụng các loại hình phạt không phải là hình phạt tù đối với tội ít nghiêm trọng, bỏ hình phạt tử hình ở tội cướp tài sản.

Một trong những mục đích, yêu cầu của cải cách tư pháp chính là hoạt động QĐHP phải đảm bảo tính công minh, đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội. Như vậy hình phạt được tuyên mới đạt được mục đích trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội, có tác dụng phòng ngừa chung đối với các thành viên khác trong xã hội. Do đó, sau khi BLHS mới được ban hành, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều công văn,

giải đáp để hướng dẫn việc xét xử, QĐHP đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Ví dụ: Tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS được hướng dẫn tại điều 4 mục I Công văn 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 như sau: Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.

Hoặc trong tình huống người thực hiện hành vi làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức? đã được hướng dẫn tại điều 10 mục I Công văn 212/ TANDTC-PC ngày 13/9/2019 như sau: Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của BLHS), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cụ thể hơn nữa, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TAND-PC ngày 30/3/2021 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó có nội dung hướng dẫn về tội phạm xâm phạm quyền sở hữu có tính chất chiếm đoạt đó là: Người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin

không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 của BLHS. Theo đó, Tòa án tối cao cũng hướng dẫn về áp dụng hình phạt khi xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-192, đó là: Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng; Áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng. Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của BLHS. Trong quá trình xét xử cần có phương án tuyên truyền phù hợp (như đưa thông tin, hình ảnh, bài viết, phóng sự... về việc xét xử vụ án trên các phương tiện thông tin đại chúng) để bảo đảm công tác giáo dục, phòng ngừa chung.

Tóm lại, để đạt được các yêu cầu bảo đảm QĐHP đúng đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt trên địa bàn TP. Hải Phòng như đã phân tích ở trên, thì Tòa án phải đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, mà cụ thể là bản thân mỗi Thẩm phán cần luôn có ý thức tự học tập, tự nghiên cứu, tự cập nhật kiến thức mới để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, tự tin khi đưa ra các quyết định hình phạt và sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 83 - 86)