Căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 33 - 78)

1.3. Các căn cứ quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm

1.3.1. Căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự

Đây là căn cứ cơ bản nhất của QĐHP và cũng là đòi hỏi quan trọng của nguyên tắc pháp chế XHCN. Khi quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, trước tiên Tòa án phải căn cứ vào các quy định của Phần chung BLHS, đó là: Cơ sở của TNHS (Điều 2), nguyên tắc xử lý (Điều 3), hiệu lực về thời gian của BLHS (Điều 7), chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (các Điều 14, 15, 57), đồng phạm (Điều 17, 58), các quy định về QĐHP trong chương VIII (Điều 50 đến Điều 59). Những quy định có tính nguyên tắc chung cho từng loại hình phạt trong chương VI (Điều 30 đến Điều 45) như: Những quy định về hệ thống hình phạt, những quy định về nội dung, điều kiện và phạm vi áp dụng của các hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với cá nhân người phạm tội. Những quy định có tính nguyên tắc chung đối với những trường hợp được áp dụng các biện pháp như: Miễn TNHS (Điều 29), miễn hình phạt (Điều 59), án treo (Điều 65). Những quy định ở chương XII Phần chung của BLHS có tính nguyên tắc chung cho việc QĐHP đối với người dưới 18 tuổi.

Sau đó, Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định từ Điều 168 đến Điều 175 của BLHS về các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt để xác định hành vi phạm tội là tội phạm cụ thể nào trong nhóm tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt? Tội phạm đó đã vi phạm điểm, khoản cụ thể nào và hình phạt được các nhà làm luật quy định cụ thể áp dụng cho tội phạm đó ra sao.

Theo Điều 50 BLHS, căn cứ vào “quy định của BLHS” là căn cứ quyết định hình phạt đầu tiên. Điều này cho thấy các nhà lập pháp đã nhận thức và đánh giá cao vai trò quan trọng của căn cứ “quy định của BLHS”. Chính sự ghi nhận trong BLHS có tính bắt buộc đối với Tòa án khi QĐHP đã tránh được tình trạng tùy tiện, áp dụng một hình phạt không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với các bị cáo. Hơn nữa, sự ghi nhận căn cứ này trong BLHS còn tạo cơ sở pháp lý giúp cho việc QĐHP được chính xác và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

1.3.2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội

Để có thể quyết định được loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật cho phép, Tòa án phải cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đặc tính về chất của tội phạm cho phép phân biệt tội phạm ở các chương khác nhau trong Phần các tội phạm của BLHS. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đặc tính về lượng của mỗi tội phạm cụ thể, cho phép phân biệt mức độ nguy hiểm cho xã hội giữa các tội phạm trong cùng nhóm hoặc đối với một tội phạm nhưng trong những trường hợp phạm tội khác nhau. Vì cùng đặc tính về chất, tính chất nguy hiểm cho xã hội của mỗi tội phạm có thể được thể hiện ở những mức độ khác nhau, cho nên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm không tách rời nhau. Vì vậy, khi quyết định hình phạt, BLHS quy định bắt buộc Tòa án phải cân nhắc đồng thời cả tính chất lẫn mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện.

Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt chính là mức độ thiệt hại về tài sản. Hành vi phạm tội gây ra mức độ thiệt hại về tài sản càng lớn thì tội phạm càng nặng và hình phạt cũng càng cao. Ngược lại, hành vi phạm tội gây thiệt hại về tài sản càng nhỏ thì tội phạm càng nhẹ và hình phạt càng nhẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý với các tội xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu,ví dụ: tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội trước hết xâm phạm đến thân thể, đến tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm được sở hữu. Sự xâm hại một trong hai quan hệ xã hội này đều chưa thể hiện được hết bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Do vậy, cả hai quan hệ xã hội bị xâm hại đều được coi là khách thể trực tiếp của tội phạm. Việc xếp các tội trên vào nhóm các tội xâm phạm sở hữu xuất phát từ quan điểm cho rằng mục đích chính của người phạm tội là nhằm vào sở hữu và việc xâm hại quan hệ nhân thân chỉ là phương tiện để đạt được mục đích chính đó. Do vậy, khi xem xét tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi thì ngoài việc xem xét đến mức độ thiệt hại về tài sản thì Tòa án cần xem xét đến hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của bị hại.

Trong thực tiễn xét xử, khi QĐHP thì căn cứ vào “tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội” là căn cứ rất quan trọng. Sự quan trọng này thể hiện ở chỗ, nếu như dựa vào căn cứ thứ nhất – “quy định của BLHS”, Tòa án mới chỉ xác định được phạm vi hình phạt áp dụng cho người phạm tội, còn dựa vào căn cứ thứ hai - “tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội”, Tòa án có thể lựa chọn hình phạt cụ thể phù hợp để áp dụng cho người phạm tội. Tuy nhiên, đặt trong mối liên hệ giữa hai căn cứ thì căn cứ thứ nhất là cơ sở, tiền đề cho căn cứ thứ hai - đó là lựa chọn được một hình phạt cụ thể cho bị cáo trong phạm vi khung hình phạt đó.

Trong QĐHP đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, dựa vào quy định của BLHS Tòa án có thể xác định được hành vi phạm tội của một chủ thể nào đó đã phạm tội gì? Tội phạm đó cấu thành điểm, khoản nào của điều luật tương ứng và chế tài hình phạt được quy định ở giới hạn nào? Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào quy định của BLHS mà không xem xét tính chất, mức độ chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại về tài sản của hành vi phạm tội thì Tòa án sẽ không thể quyết định được một hình phạt chính xác phù hợp đối với người có hành vi phạm tội. Ví dụ: Nguyễn Văn A không có nghề nghiệp, công việc mà chuyên đi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản để làm nghề sinh sống và lấy kết quả của lần phạm tội làm nguồn sống chính. Ngày 10/3/2021 Nguyễn Văn A có hành vi lén lút vào nhà chị Lê Thị T trộm cắp 01 chiếc điện thoại di động Iphone 3 có giá trị là 3.000.000 đồng. Ngày 15/3/2021 Nguyễn Văn A lại tiếp tục có hành vi lén lút vào nhà ông Cao Văn Đ trộm cắp số tiền 2.000.000 đồng. Ngày 18/3/2021, Nguyễn Văn A thực hiện hành vi trộm cắp chiếc xe đạp mini tại nhà anh Nguyễn Văn T trị giá là 2.500.000 đồng. Ngày 20/3/2021, Nguyễn Văn A trà trộn vào đám đông móc túi của người đi đường trộm cắp số tiền 2.000.000 đồng của chị Lê Thị L, tiếp tục móc túi của anh Lê Văn N được 2.630.000 thì bị phát hiện bắt giữ. Trong ví dụ này căn cứ vào quy định của BLHS có thể dễ dàng xác định hành vi của Nguyễn Văn A đã phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS. Tuy nhiên, khi căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội ta thấy giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 12.130.000 đồng, căn cứ vào hướng dẫn tại khoản 5 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của Nguyễn Văn A là có tính chất chuyên nghiệp; từ đó xác định chính xác Nguyễn Văn A đã vi phạm điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS và hình phạt được áp dụng nằm trong khung từ 03 năm đến 07 năm tù. Trên cơ sở đó kết hợp với các quy định khác về QĐHP, các nguyên tắc QĐHP Tòa án sẽ quyết định chính xác mức hình phạt đối với Nguyễn Văn A.

Thực tiễn xét xử cho thấy, khi cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, Tòa án thường xem xét các dấu hiệu sau: Quan hệ xã hội bị hành vi phạm tội xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại; Hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện; Hậu quả thiệt hại đã gây ra hoặc đe dọa gây ra; Mức độ thực hiện tội phạm như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tội phạm hoàn thành; Công cụ phương tiện phạm tội, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh thực hiện tội phạm; Lỗi và nguyên nhân, điều kiện phạm tội ... Có thể khẳng định căn cứ “tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội” là căn cứ rất quan trọng khi QĐHP nói chung, QĐHP đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt nói riêng.

1.3.3. Căn cứ vào nhân thân người phạm tội

Nhân thân người phạm tội là một phạm trù xã hội phức tạp được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như luật hình sự, tội phạm học, tâm lý học, triết học … Nhân thân người phạm tội trong luật hình sự được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề TNHS của họ, đề cập đến vấn đề này, GS.TS Lê Thị Sơn đã nêu:

Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội cần cân nhắc trong tổng thể khi quyết định hình phạt là những đặc điểm nhân thân sau: - Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tiền sự, tái phạm thường hay tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không, là người chưa thành niên phạm tội hay đã thành niên ...;

- Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội phản ánh khả năng giáo dục họ như có thái độ tự thú hoặc hối cải, lập công chuộc tội hay có thái độ ngoan cố ...;

- Những đặc điểm nhân thân của người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ như là người bị bệnh hiểm nghèo, già yếu, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ hoặc là người có hoàn cảnh bản thân hay gia đình đặc biệt khó khăn ... [11, tr.251].

Xét đến nhân thân người phạm tội là xét đến tổng hợp những quan hệ giữa người ấy với xã hội, tập thể, gia đình, với những người khác và những đặc điểm của bản thân người phạm tội. Nhân thân người phạm tội là một khái niệm rộng, đa dạng, nhưng khi cân nhắc nhân thân người phạm tội để QĐHP thì không được trừu tượng hóa và tách rời khỏi tội phạm do người đó thực hiện, bởi hình phạt luôn luôn là hình phạt cho hành vi phạm tội đã được thực hiện chứ không phải cho nhân thân của người phạm tội. Xem xét nhân thân người phạm tội khi QĐHP không có nghĩa là xem xét nhân thân nói chung mà chỉ xem xét những đặc điểm nhất định liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội cũng như liên quan đến mục đích của hình phạt.

Để QĐHP đúng, một trong những đòi hỏi quan trọng là phải làm rõ những đặc điểm về nhân thân người phạm tội. Những đặc điểm về nhân thân người phạm tội được thể hiện trong lý lịch bị can, bị cáo và các tài liệu khác có liên quan. Không phải mọi tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội đều được xem xét khi QĐHP mà chỉ những tình tiết có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội mới được xem xét để QĐHP, đó là những đặc điểm nhân thân liên quan trực tiếp với việc thực hiện tội phạm. Nhóm tình tiết phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như: phạm tội lần đầu, tái phạm, tái phạm nguy hiểm hoặc phạm tội có tính chất chuyên nghiệp …; Nhóm tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội khác phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội như: thái độ ăn năn hối cải, đầu thú, tự thú, lập công lớn …; hay nhóm tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ như: người già, phụ nữ có thai…Những đặc

điểm nhân thân khác tuy không mang tính chất pháp lý, không liên quan đến tội phạm, không phản ánh mức độ nguy hiểm của hành vi và người phạm tội, nhưng khi QĐHP Tòa án phải xem xét đến vì các đặc điểm đó có quan hệ đến các đối tượng của chính sách Đảng và Nhà nước như: Người phạm tội thuộc dân tộc ít người, người có công với cách mạng, thuộc gia đình liệt sỹ, nhân sĩ, trí thức có tên tuổi ... Tòa án cân nhắc những tình tiết này khi quyết định hình phạt sẽ bảo đảm hình phạt áp dụng cho mỗi bị cáo phù hợp với các nguyên tắc của luật hình sự, phù hợp với đường lối và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong xử lý tội phạm.

Nhân thân người phạm tội không phải là yếu tố cấu thành tội phạm. Nhân thân người phạm tội và chủ thể của tội phạm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong khi, chủ thể của tội phạm là khái niệm dùng để chỉ con người cụ thể khi thực hiện hành vi phạm tội, có năng lực TNHS và đạt độ tuổi nhất định, ngoài ra ở một số tội phạm còn đòi hỏi dấu hiệu chủ thể đặc biệt thì nhân thân người phạm tội như đã nêu trên là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề TNHS của họ. Chủ thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành của tội phạm và là một trong các điều kiện của TNHS; còn nhân thân người phạm tội không chỉ có ý nghĩa đối với việc định tội danh mà có ý nghĩa là một trong các căn cứ QĐHP. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có những đặc điểm về nhân thân người phạm tội đã được quy định là yếu tố loại trừ TNHS, miễn hình phạt, định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS. Nhân thân của người phạm tội bao gồm cả mặt tốt và xấu.

Tóm lại, nếu như chỉ dựa vào các quy định của BLHS; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt thì Tòa án chỉ có thể lựa chọn được hình phạt cụ thể tuyên cho bị cáo, tuy nhiên, hình phạt đó có thể vẫn chưa thực sự phù hợp với khả năng cải tạo, giáo dục người

phạm tội cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ. Vì vậy, việc nhà làm luật quy định nhân thân người phạm tội là một căn cứ QĐHP là cần thiết bởi việc quy định này không chỉ giúp Tòa án đánh giá đúng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà còn giúp Tòa án QĐHP phù hợp với khả năng cải tạo, giáo dục của bị cáo và hoàn cảnh đặc biệt của họ.

Đối với người phạm tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, các yếu tố nhân thân người phạm tội có tầm quan trọng để Tòa án cân nhắc xem xét khi quyết định hình phạt. Ví dụ: A và B cùng đồng phạm tội cướp giật tài sản. Khi xem xét nhân thân của A cho thấy A đã từng bị kết án về tội trộm cắp tài sản, đến ngày phạm tội mặc dù đã được xóa án tích nhưng cần đánh

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 33 - 78)