Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 30 - 32)

1.2. Các nguyên tắc quyết định hình phạt đối với các tội xâm

1.2.4. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt

Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt được thể chế hóa trong hệ thống các hình phạt quy định tại Điều 32 của BLHS, bao gồm 07 hình phạt chính và 07 hình phạt bổ sung. Riêng đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt chỉ có 03 hình phạt chính là: Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn; Tù

chung thân và 05 hình phạt bổ sung là: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tịch thu tài sản; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính. Hệ thống hình phạt như trên thể hiện tính đa dạng, tạo điều kiện tối ưu cho việc cá thể hóa hình phạt đối với người phạm tội. Ngoài ra, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt còn được thể hiện ở chỗ những hình phạt khác nhau thì sẽ được quy định những điều kiện áp dụng khác nhau dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, đặc điểm nhân thân người phạm tội.

Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt còn được thể hiện thông qua việc phân hóa tối đa các loại tội phạm tại Điều 9 BLHS gồm: Tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời quy định khung hình phạt cụ thể cho từng tội và tăng cường chế tài tùy nghi, lựa chọn giữa các hình phạt không phải tù và tù có thời hạn, làm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, bảo đảm tính ổn định của các bản án được tuyên.

Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt được thể hiện trong luật là cơ sở, nguyên lý mang tính chất tổng quát, trừu tượng. Do đó chúng không thể hàm chứa hết các tình tiết, hoàn cảnh đa dạng của từng tội phạm cụ thể và nhân thân người phạm tội cụ thể. Cho nên Tòa án cần phải cân nhắc, tính đến các đặc điểm cụ thể của tội phạm đã được thực hiện. Trong việc QĐHP đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, ngoài các quy định chung về QĐHP, Tòa án cần phải tuân thủ các quy định tương ứng từ Điều 168 đến Điều 175 của BLHS. Tòa án phải xem xét cụ thể hành vi của người phạm tội đã cấu thành tội gì, thuộc điểm, khoản cụ thể nào của điều luật tương ứng, hành vi đó đã gây ra hậu quả nặng nhẹ ra sao, tính chất mức độ như thế nào; người phạm tội có nhân thân và hoàn cảnh phạm tội như thế nào; các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng có trong vụ án; tội phạm được thực hiện do cá nhân đơn lẻ hay có đồng phạm; tính chất của đồng phạm giản đơn hay có tổ chức.

Trên cơ sở xem xét đánh giá đầy đủ các yếu tố và áp dụng các quy định thuộc phần chung và phần các tội phạm cụ thể từ Điều 168 đến Điều 175 của BLHS; Tòa án sẽ quyết định chọn loại và mức hình phạt cụ thể trong các điều luật tương ứng để áp dụng đối với người phạm tội sao cho đạt kết quả cao nhất, tạo điều kiện cho việc đạt được các mục đích của hình phạt.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 30 - 32)