Giải pháp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 91 - 96)

3.2. Một số giải pháp bảo đảm quyết định hình phạt đúng đối vớ

3.2.2. Giải pháp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ

của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân

3.2.2.1. Giải pháp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán

Thứ nhất, chất lượng của đội ngũ thẩm phán là một trong những yếu tố chủ quan quyết định đến chất lượng của hoạt động xét xử và việc QĐHP đúng đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt tại TP. Hải Phòng. Do đó, để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao cần đổi mới phương thức và thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về lý luận chính trị cũng như có cơ chế khuyến khích các Thẩm phán tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức về nghiệp vụ, kỹ năng xét xử. Ngoài ra, cơ chế giám sát thực hiện bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán cũng cần được bổ sung và hoàn thiện; chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với Thẩm phán cũng cần được sự quan tâm hơn nữa.

Thứ hai, là mở rộng nguồn Thẩm phán và hoàn thiện chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán. Để đáp ứng được đòi hỏi đặt ra, trước mắt ngành

Tòa án TP. Hải Phòng cần đẩy mạnh đào tạo nguồn bổ sung cho những nơi thiếu Thẩm phán và thay thế dần những người có trình độ yếu kém nhằm xây dựng được một đội ngũ Thẩm phán có đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị; năng lực nghiệp vụ và đặc biệt phải tinh thông pháp luật; đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý. Tuy nhiên, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ Thẩm phán trong tình hình hiện nay và thời gian tới sẽ vô cùng nặng nề và gian khó. Việc mở rộng nguồn Thẩm phán để bổ sung về số lượng không vì thế mà thực hiện một cách ồ ạt, tùy tiện chạy theo chỉ tiêu mà bỏ qua tiêu chuẩn chất lượng. Việc thi tuyển và bổ nhiệm Thẩm phán phải đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu của cải cách tư pháp đã được Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 02/6/2005 đề ra đó là:

Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng đề cao quyền hạn và trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh... [4, Mục II, điểm 1, khoản 1.3].

Thứ ba, là cải cách tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác đối với Thẩm phán. Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Chế độ tiền lương, phụ cấp; mẫu trang phục, cấp phát và sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” [22, Điều 75]. Mặc dù trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều cố gắng chăm lo cho đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án, nhất là các Thẩm phán về chế độ tiền lương và phụ cấp. Song về cơ bản mức lương của Thẩm phán còn thấp chưa tương xứng với vai trò, nhiệm vụ và áp lực công việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng…Có thể thấy việc bảo đảm chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ,

công chức là yếu tố phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Tòa án và là điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Tòa án. Do đó, cần có thang bảng lương riêng cho các chức danh tư pháp và Thẩm phán với mục tiêu bảo đảm cuộc sống của họ và gia đình họ bằng lương với mức sống trung bình khá trong xã hội; nâng cao mức phụ cấp trách nhiệm nghề đối với Thẩm phán và phụ cấp chức vụ đối với lãnh đạo; có chính sách nhà công vụ cho Tòa án các cấp để tạo điều kiện cho việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức Tòa án theo quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác trong ngành TAND. Như vậy, với chế độ tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác hợp lý, Thẩm phán sẽ yên tâm công tác, không vì lợi ích vật chất mà làm lệch cán cân công lý, qua đó chất lượng xét xử, QĐHP đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt mới được bảo đảm và nâng cao.

Thứ tư là đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị cho hoạt động của các Thẩm phán. Mặc dù thời gian qua ngành Tòa án TP. Hải Phòng đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động của ngành nói chung, hoạt động của Thẩm phán nói riêng. Ví dụ: trang bị máy vi tính, xe máy, ô tô công vụ, các thiết bị văn phòng, kinh phí cho hoạt động của Thẩm phán … Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Tòa án quận, huyện có trụ sở làm việc còn chật hẹp, hầu hết các trụ sở đều xây dựng từ rất lâu, trang thiết bị xuống cấp, bên cạnh đó có đơn vị quận, huyện còn chưa có trụ sở làm việc phải thuê tạm nhà dân. Điều kiện làm việc của các Thẩm phán làm việc còn hạn chế, chưa có phòng làm việc riêng … kinh phí hoạt động của Tòa án theo mức hoạt động của các đơn vị hành chính như hiện nay là chưa phù hợp. Vì vậy, thời gian tới tòa án tối cao và chính quyền địa phương tại TP. Hải Phòng cần có sự quan tâm bố trí địa điểm thuận lợi để TAND các quận, huyện xây mới, mở rộng trụ sở làm việc, sớm khắc phục tình trạng thiếu trụ sở và thiếu diện tích làm việc, hoặc trụ sở xuống cấp như hiện nay. Ví dụ: Tòa án nhân dân

huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng, huyện Vĩnh bảo. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa hoạt động của cơ quan Tòa án trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, đẩy nhanh việc xây dựng Tòa án điện tử, trước hết trang cấp các thiết bị công nghệ thông tin để bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý, thụ lý đơn khởi kiện, quản lý việc giải quyết án và công bố bản án công khai trên trang thông tin điện tử của TAND tối cao.

Cuối cùng, một trong những giải pháp mang tính chủ quan nhưng vô cùng quan trọng và không thể thiếu đó là việc các Thẩm phán TAND trên địa bàn TP. Hải Phòng phải tự nâng cao trách nhiệm của mình trong việc xét xử, QĐHP, đặc biệt là các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, bởi nhóm tội này chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các loại vụ án. Tự bản thân mỗi Thẩm phán phải nhận thức rõ tầm quan trọng, trách nhiệm đặc biệt của mình đã được Đảng và ngành Tòa án giao phó. Tất cả các giải pháp nêu trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu tự bản thân mỗi Thẩm phán không tự nhận thức, rèn luyện nâng cao chất lượng của mình bằng việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức và bản lĩnh chính trị, không ngừng học hỏi để đáp ứng với nhu cầu và nhiệm vụ của ngành Tòa án trong tình hình mới.

3.2.2.2. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ Hội thẩm nhân dân của Tòa án hai cấp TP. Hải Phòng

Bên cạnh Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cũng là chủ thể của việc QĐHP. Trong thời gian qua đội ngũ Hội thẩm nhân dân đã và đang cùng với đội ngũ Thẩm phán đóng góp một phần không nhỏ vào thành tích của ngành Tòa án TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ Hội thẩm nhân dân cả nước nói chung, của ngành Tòa án tại TP. Hải Phòng nói riêng vẫn chưa tương xứng với vai trò của họ, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ xét xử và QĐHP trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay. Do vậy, trong thời

gian tới cần có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Hội thẩm nhân dân như sau:

Thứ nhất, đổi mới quy định tiêu chuẩn tuyển chọn Hội thẩm nhân dân. Tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân phải được quy định rõ ràng về tiêu chí trình độ pháp luật và trình độ nghiệp vụ. Mặc dù chế định về Hội thẩm nhân dân đã được quy định trong một chương riêng biệt - Chương VIII từ Điều 84 đến Điều 91 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014, trong đó quy định tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân tại Điều 84. Tuy nhiên tiêu chuẩn về trình độ pháp luật khi tuyển chọn Hội thẩm nhân dân được đưa ra trong Luật vẫn là một tiêu chí mơ hồ, chưa cụ thể. Theo quan điểm của tác giả, để đáp ứng với nhu cầu nhiệm vụ hiện nay, tiêu chí về trình độ pháp luật cần quy định cụ thể, một người phải có trình độ pháp luật với văn bằng chứng chỉ ít nhất từ trung cấp Luật trở lên hoặc có ít nhất 5 năm làm công tác pháp luật. Tiêu chí về trình độ, kiến thức pháp luật được quy định cụ thể, rõ ràng theo hướng nâng cao sẽ góp phần hạn chế những sai phạm, thiếu sót, giải quyết triệt để những tồn tại hạn chế trong việc QĐHP nói chung, QĐHP đối với các tội xâm phạm sở hữu nói riêng tại TP. Hải Phòng.

Thứ hai, khi xét xử và QĐHP, Hội thẩm nhân dân cũng giữ vai trò quan trọng và có địa vị ngang bằng với Thẩm phán. Vì vậy, nếu tách riêng việc QĐHP với việc giải quyết toàn bộ một vụ án hình sự thì vai trò của Hội thẩm cũng gần tương đương như Thẩm phán. Do đó, chế độ chính sách đối với đội ngũ Hội thẩm nhân dân cũng cần phải được nghiên cứu, thay đổi cho tương xứng với đội ngũ Thẩm phán và tương xứng với vai trò, trách nhiệm của các Hội thẩm nhân dân, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và điều kiện sinh hoạt tại từng thời điểm và địa điểm cụ thể.

Thứ ba, hàng năm số lượng văn bản mới được ban hành, các quy định được sửa đổi là tương đối nhiều nên cần phải tăng cường tổ chức tập huấn,

bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Hội thẩm nhân dân. Hiện nay, Hội thẩm nhân dân được tổ chức tập huấn nghiệp vụ 1 tuần/năm là quá ít. Vì vậy, trong thời gian tới có thể tăng cường tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Hội thẩm nhân dân định kỳ theo quý hoặc ít nhất 1 tuần/6 tháng.

Để góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ Hội thẩm nhân dân. Trong thời gian trước mắt Học viện Tòa án cần xây dựng hệ thống giáo trình chuẩn, thống nhất để làm công cụ giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức cho các Hội thẩm nhân dân nhằm nâng cao kiến thức về mặt nghiệp vụ và đạo đức, chính trị, trách nhiệm của người Hội thẩm nhân dân trong thời kỳ cải cách tư pháp. Do đa số Hội thẩm nhân dân vẫn đang công tác ở các cơ quan, ban ngành khác, vì vậy, việc đạo tạo bồi dưỡng, tập huấn hàng năm đối với Hội thẩm cần phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng để các Hội thẩm nhân dân có thể bố trí thời gian và sắp xếp công việc tham gia các đợt tập huấn. Đặc biệt là phải thông báo trước cho các cơ quan tổ chức nơi có Hội thẩm nhân dân đang công tác để bố trí công việc, tạo điều kiện cho Hội thẩm nhân dân tham gia tập huấn.

Bên cạnh các giải pháp trên, cũng giống như Thẩm phán, bản thân các Hội thẩm nhân dân cũng phải thường xuyên tự học tập và nâng cao kiến thức pháp luật và đạo đức nghề nghiệp để họ thấy được trách nhiệm của mình trong hoạt động xét xử, QĐHP. Tránh tư tưởng ỷ lại vào quyết định của Thẩm phán khi xét xử các vụ án hình sự nói chung, xét xử các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt nói riêng.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (trên cơ sở thực tiễn xét xử tại thành phố Hải Phòng) (Trang 91 - 96)