Nuôi heo con cai sữa 1 Quản lý và chăm sóc

Một phần của tài liệu Giáo trình chăn nuôi lợn (Trang 50 - 51)

6.1. Quản lý và chăm sóc

6.1.1. Đặc điểm và kỹ thuật cai sữa lợn con

Chỉ cai sữa cho lợn con khi lợn con đã ăn quen thức ăn tập ăn. Không cai sữa khi trong đàn đang có lợn con ốm. Lợn con có thể cai sữa sớm hoặc muộn phụ thuộc vào thể trạng của lợn mẹ và lợn con. Thời gian cai sữa trong khoảng 21- 28 ngày.

Khi cai sữa lợn con chú ý phải tiến hành từ từ trong vòng 7 ngày để không ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng phát dục của lợn con và tránh viêm vú cho lợn mẹ. Bằng cách giảm dần số lần cho lợn con bú trong 3-4 ngày mới tách hẳn. Đối với lợn con cần chú ý cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng không cho ăn nhiều ngay để tránh bị ỉa chảy. Đối với lợn mẹ có sản lượng sữa cao thì 2-3 ngày trước khi cai sữa lợn con nên giảm lượng thức ăn, sau khi cai sữa 2-3 ngày mới cho ăn bình thường.

6.1.2. Điều kiện chuồng nuôi

Chuồng nuôi phải khô ráo, ấm áp, được che chắn để tránh gió lùa.

Những ngày đầu lợn con mới tách mẹ nên giữ nhiệt độ chuồng nuôi tương đương với nhiệt độ chuồng nuôi trước cai sữa. Nhiệt độ thích hợp cho lợn con sau cai sữa từ 25 – 27°C. Thay đổi đột ngột nhiệt độ chuồng nuôi sẽ rất có hại cho lợn con, đặc biệt vào mùa đông lợn dễ bị viêm phổi.

Quan sát đàn lợn để biết nhiệt độ chuồng nuôi. Lợn đủ ấm: Con nọ nằm cạnh con kia.

Lợn bị lạnh: Nằm chồng chất lên nhau, lông dựng, mình mẩy run. Lợn bị nóng: Nằm tản mạn mỗi nơi 1 con, tăng nhịp thở.

6.1.3.Vệ sinh phòng bệnh

Lợn con sau cai sữa thường gặp 2 bệnh chính là bệnh tiêu chảy và viêm phổi. Cần phòng tránh và phát hiện sớm, can thiệp kịp thời khi bị bệnh.

Đảm bảo thức ăn, nước uống và chế độ chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý. Vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống thường xuyên.

Không để lợn con bị lạnh, gió lùa, sàn chuồng ẩm ướt. Tiêm phòng đầy đủ cho lợn con.

6.2. Dinh dưỡng

Nguồn dinh dưỡng của lợn con ở 21 ngày đầu chủ yếu là sữa mẹ. Số lượng và chất lượng sữa của lợn nái ở giai ñoạn này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của lợn con. Do đó cần chú ý nuôi dưỡng tốt lợn nái mới đủ sữa cho lợn con.

Sau 21 ngày sữa của lợn mẹ bắt đầu giảm mà nhu cầu các chất dinh dưỡng của lợn con ngày càng tăng do đó nếu chưa cai sữa cũng cần bổ sung thêm dinh dưỡng mới đảm bảo cho lợn con phát triển bình thường.

+ Bổ sung protein

Lợn con có hệ cơ đang phát triển rất mạnh, khả năng tích luỹ protein rất lớn nên cần nhiều protein mới đáp ứng được nhu cầu của nó, nhất là sau 21 ngày tuổi sữa lợn mẹ bắt đầu giảm nên cung cấp thiếu protein cho nhu cầu của lợn con. Hỗn hợp thức ăn cho lợn con cần bảo đảm 20-22% protein thô. Tốt nhất là ưu tiên cho lợn con nguồn protein động vật có giá trị sinh vật học cao như bột cá, bột sữa, bột thịt. Nguồn protein thực vật tốt nhất cho lợn con là bột đỗ tương. Nhưng chú ý là khả năng tiêu hoá protein thực vật của lợn con còn kém nên cần hạn chế hàm lượng protein thực vật trong khẩu phần. Trong các axit amin không thay thế thì đối với lợn con quan trọng nhất là lyzin và methyonin.

+ Bổ sung vitamin:

Đối với lợn con quan trọng nhất là vitamin A, B1, D. Vitamin A có tác dụng kích thích sinh trưởng, chống viêm da, viêm phổi. Vitamim B1 có tác dụng kích thích tính thèm ăn, nếu thiếu thì tính thèm ăn của lợn con giảm, có khi còn gây nôn mửa, gây bại liệt cơ tim. Vitamin D có tác dụng giúp cho cơ thể con vật lợi dụng tốt Ca và P, nếu thiếu thì lợn con sẽ bị còi xương.

Nhu cầu: Vitamin A : 2200 UI/1 kg thức ăn Vitamin B1 : 1- 1,5 mg/1 kg thức ăn Vitamin D : 220 UI/1 kg thức ăn + Bổ sung khoáng:

Quan trọng nhất là: Ca, P, Fe, Cu.

Ca và P có vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương. Nếu thiếu 2 nguyên tố này thì lợn con mắc bệnh còi xương, chậm lớn. Trong khẩu phần ăn của lợn con cần bảo đảm 0,9% Ca, 0,7% P và Ca/P: 1,2-1,8

Lợn con rất hay thiếu Fe. Trong cơ thể lợn con sơ sinh có khoảng 50 mg Fe mà lợn con mỗi ngày cần 7-10 mg để duy trì sinh trưởng, trong khi đó sữa lợn mẹ mỗi ngày chỉ cung cấp được khoảng 1mg Fe. Nếu không bổ sung Fe kịp thời thì chỉ sau khoảng 1 tuần là lợn con có hiện tượng thiếu Fe. Khi thiếu sắt lợn con sẽ bị bệnh thiếu máu, ỉa chảy, ỉa phân trắng, lợn chậm lớn. Có nhiều phương pháp để bổ sung Fe cho lợn con:

Dùng dextran-Fe tiêm cho lợn con vào ngày thứ 3-5 sau khi đẻ và nên tiêm nhắc lại lần 2 sau 10 ngày. Liều tiêm 1-2 ml/con (tùy nồng độ Fe). Trong dextran-Fe thường có 100-125 mg Fe/1ml. Cũng có thể dùng FeSO4 hoà vào nước cho lợn con uống.

Thiếu Cu cũng như thiếu Fe sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu máu. Có thể dùng CuSO CuO để bổ sung cho lợn con.

Một phần của tài liệu Giáo trình chăn nuôi lợn (Trang 50 - 51)