3.1. Đường mương
Lợn có nhu cầu tương đối lớn về tắm rửa, ngoài ra chuồng lợn cần dọn vệ sinh thường xuyên nên nhu cầu thoát nước rất lớn.
Hệ thống thoát chất thải nếu khôg được quy hạch trước dễ xảy ra bốc mùi hôi thối, tắc nghẽn khi đang sử dụng, không chỉ tốn nhiều công thông, nạo vét mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe lợn và là nơi tích tụ nhiều mầm bệnh.
Đường mương thoát cần phải chắc chắn và có nắp đậy tránh mùi hôi thối bốc lên đồng thời không được quá rộng hoặc quá sâu dẫn đến tốn kém trong xây dựng và bất tiện khi lùa lợn đi lại cũng như tránh làm cho lợn bị thụt hố, ngã gãy chân hoặc lợn con chết đuối.
3.2. Nhà ủ phân và bể lắng phân
Hiên nay các trang trại chăn nuôi thường dùng các biện pháp khác nhau để cử lý chất thải rắn và chất thải lỏng
+ Chất thải rắn: chủ yếu là phân được thu dọn đưa vào hố ủ hoặc đem đi nơi khác hay đưa xuống bể Bioga
Các hố ủ này có thể xây bằng gạch hoặc bằng bê tông để tránh ô nhiễm mạch nước ngầm. Trong hố ủ có thể sử dụng một số chất như EM, Bokashi có tác dụng tăng cường sự phân hủy các chất hữu cơ và giảm mùi hôi.
+ Chất thải lỏng: Các chất thải lỏng cùng với nước rửa chuồng thường phải qua hệ thống các bể lắng lọc rồi mới thải ra hệ thống nước thải chung. Các trại chăn nuôi thường xây 3 bể lắng, giữa các bể có các lưới lọc để cho chất thải lắng lại ở những bể đầu, đến bể cuối thì nước thải đã đảm bảo trong và sạch rồi đổ ra ngoài.
3.3. Hầm phân huỷ hiếm khí và túi sinh học
Hiện nay hầu hết các trại chăn nuôi lợn đều xây bể bioga để xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn năng lượng.
Nguyên lý của quá trình tạo Bioga như sau: Quá trình phân hủy diễn ra trong điều kiện yếm khí và trải qua 3 giai đoạn
+ Giai đoạn 1: Hóa lỏng phân gia súc, vi sinh vật phân hủy chất rắn thành các phân tử hòa tan
+ Giai đoạn 2: Vi sinh vật tiếp tục phân hủy để tạo thành các axit béo mạch dài, khí hydro và khí CO2
+ Giai đoạn 3: Vi sinh vật yếm khí tiếp tục phân hủy các hợp chất đã được tạo thành ở giai đoạn hai thành khí metan, khí hydro, khí carbonic, amoniac...
Quá trình lên men ở bể Bioga sẽ làm ung hầu hết trứng giun sán. Nước thải từ bể Bioga có thể sử dụng để tưới cây hay dùng để sản xuất phân vi sinh.
4. Quy trình vệ sinh, tiêu độc chuồng trại
Bước 1- Làm sạch chất hữu cơ trước khi rửa:
Hầu hết các thuốc sát trùng không có tác dụng diệt khuẩn nếu dụng cụ được sát trùng không sạch sẽ. Đất, rơm, trấu, sữa, máu, phân gây bất hoạt thuốc sát trùng. Trước khi rửa bằng nước cần dùng chổi, xẻng hoặc các dụng cụ thích hợp làm sạch các chất hữu cơ bám trên nền chuồng, tường chuồng, trên bề mặt các dụng cụ chăn nuôi…
Bước 2 – Rửa sạch bằng nước:
Sau khi vệ sinh cơ học các chất hữu cơ tiến hành rửa sạch bằng nước. Đối với dụng cụ, sàn, vách ngăn… bị chất bẩn bám chặt bề mặt lâu ngày, cần ngâm nước 1-3 ngày trước khi rửa. Đối với một số chỗ khó rửa (các góc, khe …), phải dùng vòi xịt áp suất cao bằng hơi.
Bước 3 – Tẩy bằng xà phòng, nước vôi hoặc thuốc tẩy:
Dùng nước xà phòng, nước vôi 30% hoặc thuốc tẩy rửa để phun, dội rửa lên nền hoặc ngâm các dụng cụ chăn nuôi.
Bước 4 – Sát trùng bằng thuốc sát trùng:
Dùng thuốc sát trùng với liều lượng phù hợp. Cần kiểm tra pH nguồn nước trước khi pha loãng. Không được dùng nước cứng để pha thuốc sát trùng vì sẽ làm giảm hoặc làm mất tác dụng của thuốc sát trùng. Dùng nước có nhiệt độ phù hợp để pha loãng thuốc
Lưu ý: thời hạn dùng thuốc và thời hạn dùng dung dịch thuốc sát trùng đã pha loãng. Cần đảm bảo đủ thời gian cho thuốc tiếp xúc với dụng cụ được sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi phun thuốc sát trùng, phải mặc quần áo bảo hộ lao động.
Bước 5 – Để khô:
Sau khi khử trùng bằng thuốc, cần phải để khô dụng cụ và trang thiết bị. Với chuồng nuôi, thời gian để khô trước khi thả gia súc, gia cầm vào là 1-2 ngày, không được để khô dưới 12 giờ.
Câu hỏi và bài tập
1. Trình bày các yêu cầu trong xây dựng chuồng nuôi heo? 2. Kết cấu và thiết bị trong chuồng nuôi heo phải như thế nào? 3. Trình bày yêu cầu của chuồng nuôi heo đực giống?
4. Trình bày các bước trong quy trình vệ sinh tiêu độc chuồng trại?
Phần thực hành
Bài 4. Thiết kế chuồng trại chăn nuôi lợn.
Bài 5. Thực hiện quy trình vệ sinh, tiêu độc chuồng trại.
Yêu cầu về đánh giá kết quả học tập
Đánh giá kết quả học tập (điểm định kỳ) dựa trên hình thức kiểm tra từng học sinh về các yêu cầu trong xây dựng chuồng trại, chi tiết và thiết bị chuồng nuôi và quy trình vệ sinh tiêu độc sau mỗi vụ nuôi hoặc sau khi có dịch bệnh xảy ra.
Ghi nhớ
Các yêu cầu khi xây dựng chuồng, đặc điểm của chuồng nuôi đối với từng loại lợn khác nhau và quy trình vệ sinh, tiêu độc chuồng trại.
Bài 4:KỸ THUẬT NUÔI DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC HEO Mã bài: B04
Giới thiệu:
Kỹ thuật chăn nuôi lợn giữ vai trò rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất của con vật và hiệu quả kinh tế. Ở từng giai đoạn phát triển của lợn, nếu chăn nuôi tốt, đúng kỹ thuật sẽ tạo tiền đề cho quá trình sinh trưởng sau này của lợn.
Muốn đạt được những mục tiêu này cần quan tâm đến đặc điểm của lợn trong từng giai đoạn phát triển và từ đó đưa ra các quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc cũng như quản lý thích hợp cho các cơ sở chăn nuôi.
Mục tiêu:
+Trình bày được kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc heo qua các giai đoạn
+ Thực hiện được việc lựa chọn được con giống và kỹ thuật nuôi phù hợp với mục đích nuôi,
+ Tích cực, chủ động và hợp tác trong quá trình học tập, đảm bảo an toàn và tiết kiệm vật tư trong quá trình thực hiện.
Nội dung chính: