4. Chương 4: BÀN LUẬN
4.3.7. Liên quan giữa số phôi chuyển và kết quả có thai LS
Số lượng phôi chuyển là một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ có thai. Theo Hassan N Sallam (2004), sự thành công trong một chu kỳ điều trị tỷ lệ thuận với số lượng phôi chuyển vào buồng tử cung. Tỷ lệ có thai là 13% trong nhóm chuyển ≤ 3 phôi, 23% trong nhóm chuyển 4 phôi, 27% trong nhóm chuyển 5 - 6 phôi và 33% trong nhóm chuyển ≥ 7 phôi. Tuy nhiên, khi chuyển nhiều phôi trong một chu kỳ điều trị thì cũng làm tăng tỷ lệ đa thai.
Ở một số quốc gia hoặc một số người theo tôn giáo không cho phép giảm thiểu phôi thì đa thai là một vấn đề quan ngại đối với những người làm HTSS. Bởi vì, đa thai trong TTTON sẽ gây ra những biến chứng như tăng tỷ lệ quá kích buồng trứng ở những người có nguy cơ, tăng khả năng sẩy thai, đẻ non, tiền sản giật,...Chính vì lẽ đó, ở một số nước pháp luật chỉ cho phép chuyển tối đa 4 phôi vào buồng tử cung trong một chu kỳ điều trị [43],[58],[76].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ có thai ở nhóm chuyển ≥ 4 phôi trong một chu kỳ điều trị là 43.5% cao hơn một ít so với nhóm chuyển < 4 phôi là 40%. Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê, p = 0.18. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không giống với kết quả trong nghiên cứu của Nguyễn Xuân Huy và Hassan N Sallam là chuyển càng nhiều phôi thì tỷ lệ có thai càng cao. Như vậy, khi đã nuôi được phôi đến giai đoạn Blastocyst thì kết quả điều trị không còn phụ thuộc vào số lượng phôi chuyển, điều này hết sức có ý nghĩa bởi vì nó cho phép chuyển ít phôi hơn vào buồng tử cung và hạn chế được những biến chứng do đa thai gây ra.
Ở nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới, trong một chu kỳ điều trị số lượng phôi chuyển trung bình ở giai đoạn Blastocyst thường xấp xỉ 2 phôi [50]. Trong nghiên cứu của Evangelos G. Papanikolaou số phôi chuyển trung bình là 1.97 ± 0.5 kết quả có thai là 52.5%, nghiên cứu của Kenichiro
Hiraoka1 (2004) tại Nhật thì số phôi chuyển trung bình là 1.7 ± 0.6 và kết quả có thai là 48.3% [52],[63].
Ở Việt Nam, chưa có quy định về hạn chế số lượng phôi chuyển trong mỗi chu kỳ. Tại trung tâm HTSS của Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương, số lượng phôi chuyển trong một chu kỳ điều trị trong các nghiên cứu thường là 4 phôi. Những bệnh nhân lớn tuổi, đã từng thất bại với những lần làm TTTON trước đó thường được chuyển nhiều phôi hơn [10],[16],[26]. Tuy nhiên, với những tiến bộ về các kỹ thuật HTSS hiện nay, cùng với sự phát triển trong việc nuôi cấy phôi và tỷ lệ có thai cao của chuyển phôi giai đoạn Blastocyst có thể cho phép giảm số lượng phôi chuyển trong mỗi chu kỳ.