4. Chương 4: BÀN LUẬN
4.2.4. Số phôi chuyển trong một chu kỳ
Chuyển bao nhiêu phôi trong một chu kỳ là hợp lý, thực ra đó là một vấn đề chưa có sự thông nhất giữa các trung tâm TTTON, bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như đối tượng điều trị, số phôi thu được, trình độ kỹ thuật, tôn giáo, pháp luật cho phép của từng quốc gia. Trong nghiên cứu của chúng tôi, ở nhóm chuyển phôi giai đoạn Blastocyst số lượng phôi chuyển trung bình là 3.8 ± 0.3, còn ở nhóm chuyển phôi ngày 2 số phôi chuyển trung bình là 3.5 ± 1.4. Sự khác biệt giữa các nhóm không có ý nghĩa thống kê. Như vậy, ở cả 2 nhóm số phôi chuyển trong một chu kỳ xấp xỉ 4 phôi.
Kết quả nghiên cứu này cũng tương đương kết quả nghiên cứu của Nguyễn Xuân Huy (2003) và Bùi Thị Minh Thu (2006) cũng tại trung tâm hỗ trợ sinh sản BVPSTW (đều khoảng 4 phôi chuyển trong một chu kỳ).
So sánh với một số nghiên cứu của chuyển phôi giai đoạn Blastocyst ở các trung tâm HTSS trên thế giới thì trong nghiên cứu của T. Utsunomiya số phôi chuyển trung bình một chu kỳ là 1.7 ± 0.5, nghiên cứu của Evangelos G. Papanikolaou số phôi chuyển trung bình là 1.97 ± 0.5, nghiên cứu của Kenichiro Hiraoka1 số phôi chuyển là 1.7 ± 0.6.
Trong nghiên cứu của Hans G.I.van Weering số Blastocyst chuyển không quá 2 phôi. Sở dĩ có sự khác biệt về số lượng phôi chuyển trong một chu kỳ ở
những nghiên cứu của nước ta so với những nghiên cứu trên là do tỷ lệ có thai trong chuyển phôi giai đoạn Blastocyst của những trung tâm này thường trên 50%, nên nếu chuyển nhiều phôi thì tỷ lệ đa thai sẽ cao lên. Thêm vào đó, sự khác nhau về tôn giáo, pháp luật một số nước không cho phép giảm thiểu phôi cũng như để tránh những tai biến do đa thai gây ra. Vì vậy, các trung tâm hạn chế số lượng phôi chuyển trong một chu kỳ [79],[52],[57],[63].
Tại trung tâm HTSS của BVPSTW sau khi nuôi phôi đến ngày 2, phôi được đánh giá để nuôi tiếp hoặc chuyển phôi, số phôi tốt còn lại được đông phôi. Trong nghiên cứu của chúng tôi nếu chỉ tính riêng số Blastocyst thì số phôi chuyển trung bình trong một chu kỳ là 1.76 ± 0.75. Kết quả này cũng tương đương so với kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài.
4.2.5. Kỹ thuật chuyển phôi
Không có sự khác nhau về chuyển phôi dễ hay khó trong 2 nhóm nghiên cứu của chúng tôi (p = 0.33), hầu hết là chuyển phôi dễ và không có sự khác biệt về độ sạch catheter sau chuyển phôi (p = 0.14), đa số là chuyển phôi có catheter sạch.
Kỹ thuật chuyển phôi bị ảnh hưởng nhiều bởi các trung tâm nghiên cứu, kinh nghiệm của các trung tâm [58]. Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các loại catheter, của chất liệu catheter lên kỹ thuật chuyển phôi và kết quả có thai, như các nghiên cứu của Hans G. I. van Weering (2002), nghiên cứu của R. T Mansour (2002) đều kết luận rằng loại catheter, chất liệu catheter có ảnh hưởng đến kỹ thuật chuyển phôi và kết qủa TTTON [74],[57],[60]. Tại trung tâm HTSS của BVPSTW công việc chuyển phôi được thực hiện bởi những người giàu kinh nghiệm nên tỷ lệ catheter sạch sau chuyển phôi và số chu kỳ chuyển phôi dễ cao. Số chu kỳ có catheter sạch sau chuyển phôi trong nghiên cứu chúng tôi cũng gần tương đương với nghiên cứu của Vũ Thị Bích Loan (83%) [16].