Nguyên nhân vô sinh và loại vô sinh

Một phần của tài liệu nhận xét kết quả chuyển phôi giai đoạn blastocyst tại trung tâm hỗ trợ sinh sản bệnh viện phụ sản trung ương từ 2006 đến 2008 (Trang 62 - 63)

4. Chương 4: BÀN LUẬN

4.1.2.Nguyên nhân vô sinh và loại vô sinh

Trong nghiên cứu của chúng tôi, nếu tính nguyên nhân vô sinh trên một chu kỳ thì nhóm ≥ 2 nguyên nhân là cao nhất với 45.4%, sau đó đến tắc vòi tử cung chiếm 30.3%. Trong nhóm ≥ 2 nguyên nhân thì tắc vòi tử cung kết hợp với tinh trùng ít, yếu đã chiếm tới 80%. Nếu xét về tần suất xuất hiện của các nguyên nhân thì tắc vòi tử cung chiếm tỷ lệ cao nhất là 45.8%, tần suất xuất hiện của nguyên nhân do chồng chiếm 33.3%. Đây cũng là hai nguyên nhân hay gặp nhất của các nghiên cứu nói chung.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, nguyên nhân vô sinh do tắc vòi tử cung có tỷ lệ thấp hơn trong nghiên cứu của Vương Thị Ngọc Lan (2003) là 84%, Nguyễn Xuân Huy (2003) là 81.9%, Vũ Thị Bích Loan (2008) là 54%, Bùi Quốc Hùng (2008) là 56.9% [16],[10],[9],[13]. Phải chăng có sự quan tâm tốt hơn của phụ nữ về phòng tránh các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục, tình trạng nạo hút thai, cũng như các phương pháp giáo dục truyền thông trong việc điều trị vô sinh đã có tác dụng. Hoặc một số phương pháp điều trị vô sinh khác như mổ nội soi gỡ dính vòi tử cung đã mang đến hiệu quả trong

gần mười năm trở lại đây nên tỷ lệ tắc vòi tử cung trong những bệnh nhân được chỉ định làm TTTON đã có xu hướng giảm hơn.

So sánh với các nghiên cứu nước ngoài, tỷ lệ tắc vòi tử cung trong nghiên cứu của chúng tôi tương đương với nghiên cứu của Raga là 47% [75], cao hơn nghiên cứu của laverge (2001) là 16% [64]. Về nguyên nhân vô sinh do chồng, kết quả nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ gần tương đương với Vũ Văn Chúc (1990) với tỷ lệ là 38.1%, Nguyễn Khắc Liêu (1997) có tỷ lệ là 35.6%, thấp hơn trong nghiên cứu của laverge nguyên nhân do chồng là 61% [14],[64]. Sự khác nhau về tỷ lệ nguyên nhân do chồng của các nghiên cứu trong nước so với các nghiên cứu ngoài nước có thể do lối sống khác nhau, áp lực công viêc, phân bố bệnh tật ở các vùng địa lý khác nhau.

Theo kết quả nghiên cứu, vô sinh nguyên phát chiếm 48.5%, vô sinh thứ phát chiếm 51.5%. Tỷ lệ này cũng gần tương đương với loại vô sinh trong đánh giá kết quả TTTON của Nguyễn Xuân Huy (2003) lần lượt là 43.8%, 56.2% và nghiên cứu chuyển phôi ngày 3 của Vũ Thị Bích Loan (2008) là 47%, 53%. Ở Việt Nam, tỷ lệ nạo hút thai cao, tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh dục cao, phụ nữ sử dụng phương pháp tránh thai bằng đặt vòng tránh thai nhiều, do đó làm tăng tỷ lệ vô sinh do tắc vòi tử cung. Trong nghiên cứu của chúng tôi tần suất vô sinh do tắc vòi tử cung cao nhất do đó nó cũng có thể làm tăng tỷ lệ vô sinh thứ phát.

Kết quả nghiên cứu này cũng gần tương đương với kết quả nghiên cứu của Peter Schwa¨rzler (2004) là 40% và 60% [73]. Như vậy, vô sinh thứ phát có tỷ lệ cao hơn vô sinh nguyên phát ở nhiều nghiên cứu.

Một phần của tài liệu nhận xét kết quả chuyển phôi giai đoạn blastocyst tại trung tâm hỗ trợ sinh sản bệnh viện phụ sản trung ương từ 2006 đến 2008 (Trang 62 - 63)