-Thứ nhất, chính sách tín dụng của NHTM là yếu tố quyết định đến hoạt động cho vay đối với DNNVV.
Chính sách tín dụng của NHTM là hệ thống các chủ trương, định hướng, quy định chi phối hoạt động tín dụng do ngân hàng đưa ra nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tài trợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân, từ đó đạt được những mục tiêu mà ngân hàng đã hoạch định. Chính sách tín dụng phản ánh cương lĩnh tài trợ của ngân hàng, cung cấp cho nhà quản lý ngân hàng cũng như các cán bộ tín dụng đường lối chỉ đạo cụ thể trong việc ra quyết định cho vay và xây dựng danh mục cho vay, tạo nên sự thống nhất chung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Chính sách tín dụng bao gồm các chính sách về quy mô và giới hạn tín dụng, chính sách lãi suất và phí suất tín dụng, chính sách về thời hạn nợ, và chính sách về tài sản đảm bảo. Hàng năm, các NHTM khi đưa ra kế hoạch kinh doanh, trong đó có hoạt động cho vay, sẽ xác định chỉ tiêu từng mảng (khách hàng bán buôn và khách hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp). Nếu định hướng kinh doanh là phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì các chính sách tín dụng liên quan đến nhóm khách hàng này sẽ linh hoạt, cởi mở hơn nhằm gia tăng dư nợ cũng như thu nhập từ phân khúc này. Ngược lại, nếu chính sách tín dụng nhằm mục tiêu khác thì sẽ không ưu tiên hướng đến phân khúc DNNVV, từ đó, các chính sách tín dụng sẽ đưa ra theo hướng giảm hoặc duy trì tỷ trọng dư nợ DNNVV. Do đó, nhân tố tiên quyết ảnh hưởng đến hoạt động cho vay DNNVV chính là chính sách, định hướng kinh doanh của NHTM.
- Thứ hai, năng lực của cán bộ thẩm định cũng như bộ phận phê duyệt tại các NHTM là yếu tố trực tiếp tác động đến quyết định cho vay với DNNVV.
Khi có nhu cầu vay vốn, các DNNVV sẽ gửi hồ sơ tới Ngân hàng, bao gồm hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính, phương án sử dụng vốn, hồ sơ tài sản bảo đảm (nếu có). Để có quyết định cấp tín dụng phù hợp, cán bộ thẩm định cũng như bộ phận phê duyệt của Ngân hàng cần nghiên cứu kỹ và đánh giá tính phù hợp, hợp lý của hồ sơ, tính khả thi của phương án. Nếu cán bộ thẩm định có hiểu biết rộng về các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh của khách hàng cũng như có kiến thức về tài chính doanh nghiệp thì mới đưa ra các đánh giá chính xác về tình hình tài chính của công ty. Từ đó, cán bộ có thể đề xuất giá trị cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và đáp ứng chính sách tín dụng của Ngân hàng. Điều này giúp kiểm soát rủi ro cho Ngân hàng cũng như đảm bảo doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích. Ngược lại, nếu năng lực của cán bộ thẩm định cũng như bộ phận phê duyệt hạn chế, việc cấp tín dụng sẽ có thể xảy ra sai sót tiềm ẩn khả năng mất vốn cho Ngân hàng.
- Thứ ba, quy trình và thủ tục cấp tín dụng tại các NHTM cũng là yếu tố tác động đến hoạt động cho vay đối với DNNVV.
Quy trình tín dụng là toàn bộ quá trình từ lúc khách hàng lập hồ sơ vay vốn đến lúc hoàn thành công tác thu hồi và xử lí nợ. Quy trình tín dụng của các NHTM thường được xây dựng chặt chẽ gồm nhiều bước khác nhau với quy định rõ ràng về thủ tục, giấy tờ cần thiết. Mục đích của quy trình tín dụng là tạo ra tính nhất quán cho hoạt động tín dụng, phòng ngừa rủi ro tín dụng. Quy trình tín dụng của NHTM cần gọn nhẹ song vẫn đảm bảo an toàn và tạo ra cơ sở chắc chắn để lựa chọn những phương án đầu tư hiệu quả. Tâm lí của khách hàng là ưa thích những ngân hàng có quy trình, thủ tục vay vốn đơn giản và linh hoạt, vừa đẩy nhanh quá trình hợp tác vừa kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy quy trình tín dụng nhanh gọn, thủ tục đơn giản là một trong những yếu tố thu hút các khách hàng nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả ngân hàng lẫn khách hàng, thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động cho vay của NHTM. Một quy trình nới lỏng là điều kiện góp phần mở rộng quy mô cho vay nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro tăng lên. Ngược lại, quy trình tín dụng quá chặt chẽ, sẽ giảm thiểu rủi ro nhưng sẽ hạn chế việc tăng trưởng dư nợ. Vì vậy cần xây dựng quy trình và thủ tục tín dụng cần gọn nhẹ nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc phòng ngừa rủi ro tín dụng.