Giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng

Một phần của tài liệu Phát triển cho vay Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đông Anh (Trang 84 - 85)

Không phải hoàn toàn vì những lý do khách quan mà toàn bộ nợ xấu, nợ nhóm 2 trong cho vay doanh nghiệp tại Chi nhánh Vietcombank Đông Anh hiện nay lại tập trung ở dư nợ cho vay các DNNVV. Để có thể phát triển hoạt động cho vay DNNVV một cách an toàn theo định hướng của Chi nhánh là nghiêng dần cơ cấu dư nợ theo hướng tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ, Vietcombank Đông Anh cần triển khai một số giải pháp sau:

Nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt tín dụng: Để nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt trong cho vay thì ngoài yếu tố tuân thủ đúng quy trình quy định về cấp tín dụng, con người là nhân tố đóng vai trò then chốt. Cho vay DNNVV nói riêng và cho vay bán lẻ nói chung đòi hỏi những người làm thẩm định không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn cần phải có kiến thức về thị trường, về kinh tế xã hội. Những kiến thức này không học được ở các trường đại học mà phải trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tế và sự cố gắng nỗ lực của mỗi cán bộ làm công tác tín dụng. Ở Vietcombank Đông Anh hiện nay, đa phần các cán bộ tín dụng đều được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành từ các trường đại học chính quy trên cả nước, tuy nhiên có một điểm yếu là phần lớn đều có tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác tín dụng. Vì vậy, để nâng cao kỹ năng thẩm định, Vietcombank Đông Anh cần đưa ra một số chương trình như: Thường xuyên phối hợp với Vietcombank Trụ sở chính để tổ chức các lớp học về thẩm định cấp tín dụng, cung cấp các kỹ năng về thẩm định khách hàng, định giá tài sản đảm bảo, học tập và trao đổi các kinh nghiệm thực tế từ những cán bộ tín dụng có nhiều năm kinh nghiệm; bố trí đúng người đúng việc, các cán bộ mới cần có đủ thời gian thực tập và học việc từ những cán bộ đi trước trước khi trực tiếp thực hiện các hoạt động cho vay; các thành viên ban Giám đốc, các trưởng phó phòng trực tiếp tham gia vào công tác thẩm định và phê duyệt tín dụng cũng cần không ngừng học tập trao đổi nâng cao nhãn quan tín dụng; giữ nguyên tắc khách quan, minh bạch trong công tác thẩm định và phê duyệt

hoạt động cho vay, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình quy định của pháp luật và của Vietcombank, kiên quyết không hạ chuẩn cho vay; tất cả các CBNV không ngừng rèn luyện và tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên nghiên cứu tìm hiểu tình hình thị trường, các biến động về kinh tế xã hội để nắm bắt những thay đổi về môi trường bên ngoài; thực hiện tốt công tác thu hồi nợ, đảm bảo quy trình kiểm soát trong và sau cho vay, nhằm mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu cho vay DNNVV ở mức dưới 0,5%/tổng dư nợ.

Thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra kiểm soát trong và sau khi cho vay. Kiểm soát trong cho vay để đảm bảo khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích đã đăng ký khi đề nghị vay vốn và kiểm tra sau để kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp khách hàng gặp rủi ro trong kinh doanh hoặc khách hàng có thái độ chây ỳ, thiếu thiện chí; giao chỉ tiêu thu hồi nợ đến từng cán bộ phụ trách khoản vay và các phòng ban tham gia vào công tác thu hồi nợ để tạo áp lực cho các CBNV hoàn thành tốt nhiệm vụ; đối với các khoản vay đã phát sinh nợ xấu, khách hàng không còn khả năng trả nợ từ hoạt động kinh doanh, Chi nhánh cần kiên quyết áp dụng các biện pháp như phối hợp vận động khách hàng để cùng xử lý bán tài sản thế chấp, tiến hành các biện pháp khởi kiện, phối hợp với các cơ quan tòa án, thi hành án để nhanh chóng xử lý khoản nợ vay. Với việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng cho vay như trên, hoạt động cho vay DNNVV tại Vietcombank Đông Anh được kỳ vọng sẽ có sự phát triển tốt, tăng trưởng về quy mô dư nợ và số lượng khách hàng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng cấp tín dụng, duy trì được tỷ lệ an toàn trong cho vay.

Một phần của tài liệu Phát triển cho vay Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đông Anh (Trang 84 - 85)