Là một ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ các DNNVV của nhà nước, Vietcombank luôn là ngân hàng đi đầu trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi lãi suất, cắt giảm phí, trợ giúp các DNNVV vay vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, trong hệ thống các NHTM trên địa bàn, có thể nói lãi suất cho vay đối tượng DNNVV của chi nhánh luôn ở mức ưu đãi nhất. Ngoài ra, chi nhánh cũng tích cực các biện pháp gia hạn, cơ cấu lại khoản nợ cho các DNNVV vay vốn gặp khó khăn tạm thời trong kinh doanh theo chủ trương của Nhà nước, giúp các doanh nghiệp này ổn định và yên tâm hoạt động. Trong năm 2020, thực hiện chủ trương của Trụ sở chính và Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank Đông Anh đã áp dụng 3 đợt giảm lãi suất lên tới 10% cho các Khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Các chính sách ưu đãi này luôn nhận được sự ủng hộ từ các DNNVV, góp phần giúp chi nhánh tăng trưởng được quy mô cho vay. Tuy nhiên,
bên cạnh ưu thế về lãi suất cho vay, chính sách cho vay của VCB Đông Anh lại bị đánh giá là tương đối thận trọng và chặt chẽ với các DNNVV, đặc biệt trong quy định về nhận tài sản bảo đảm và tỷ lệ cho vay tối đa trên tài sản bảo đảm. Toàn bộ DNNVV muốn vay vốn tại Vietcombank Đông Anh, không phân biệt theo xếp hạng tín dụng buộc phải đảm bảo giá trị tài sản định giá bằng 100% giá trị khoản vay, bên cạnh việc đáp ứng tỷ lệ bảo đảm tối thiểu theo quy định của Vietcombank. Quy định này tại chi nhánh đã làm hạn chế không ít khả năng tiếp cận đến những khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, kết quả hoạt động kinh doanh tốt vì lý do tài sản của DN không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Tâm lí cẩn trọng của Ngân hàng khi cho vay phần lớn xuất phát từ bản thân Doanh nghiệp, bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, tính minh bạch về tài chính của DNNVV chưa cao, đặc biệt trong việc sử dụng các hệ thống kế toán chuẩn, lập báo cáo tài chính chưa đạt yêu cầu.
Các loại báo cáo chứng minh khả năng tài chính của DN thiếu minh bạch, không có chứng nhận của các công ty kiểm toán độc lập. Thông tư số 39/2016/TT- NHNN ngày 30/12/2016 quy định Báo cáo tài chính dùng để cấp tín dụng tại các Ngân hàng là báo cáo kiểm toán hoặc báo cáo thuế mục đích nhằm bảo đảm tính minh bạch trong số liệu tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đặc biệt là với các DNNVV, việc dùng số liệu báo cáo tài chính theo cả 2 hệ thống này đều không chính xác khi nhiều Doanh nghiệp có xu hướng tối thiểu hóa chi phí nộp thuế, cũng như thuê các đơn vị kiểm toán ít uy tín để kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm. Chính những điều đó gây ra rất nhiều khó khăn cho NH trong quá trình thẩm định, nghi ngờ tình hình hoạt động kinh doanh của DN và hạn chế trong phê duyệt cho vay.
- Thứ hai, phần lớn các DNNVV thuộc sở hữu tư nhân, do vậy, quy mô về tài sản không đủ lớn so với nhu cầu vốn. Một số trường hợp khác có tài sản bảo đảm nhưng do tâm lý cẩn trọng, không tin tưởng vào phương án vay vốn của doanh nghiệp mình nên không đồng ý tham gia thế chấp các tài sản thuộc sở hữu cá nhân.
- Thứ ba, sự tồn tại của một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp, những công ty ma lập ra chỉ để lừa thuế của Nhà nước hoặc lừa đảo chiếm dụng vốn ngân hàng đã gây lên tâm lý e ngại và ấn tượng không tốt đối với các DNNVN.
-Thứ tư, hiện nợ xấu của Chi nhánh tập trung chủ yếu vào nhóm DNNVV. Mặc dù giá trị tài sản bảo đảm vượt quá giá trị khoản cấp tín dụng song việc khởi kiện ra tòa án cũng như xử lý tài sản bảo đảm tương đối mất thời gian và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của Chi nhánh. Do đó, tâm lý chung của Cán bộ thẩm định cũng như Ban lãnh đạo Chi nhánh tương đối thận trọng và thường yêu cầu khoản cấp tín dụng được bảo đảm đầy đủ bằng tài sản của chính chủ doanh nghiệp hoặc người thân.