Tương ứng với cơ cấu cho vay tại Vietcombank Đông Anh phần lớn là cho vay Khách hàng bán buôn là những doanh nghiệp lớn, tỷ trọng đóng góp của thu nhập từ hoạt động cho vay DNNVV chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong tổng lợi nhuận hoạt động kinh doanh của chi nhánh.
Bảng 2.6: Thu nhập từ cho vay Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đông Anh năm 2018-2020
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Thu từ hoạt động tín dụng Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020
57,3 68,1 74,6
Thu nhập từ hoạt động cho vay DNNVV 6,0 7,0 7,8
Thu nhập từ hoạt động cho vay DN Lớn 44,3 51,6 50,9
Thu nhập từ hoạt động cho vay KHCN 7,0 9,5 15,9
(Nguồn: Báo cáo hoạt động kinh doanh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đông Anh)
Thu nhập từ hoạt động cho vay với DNNVV có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây. Đặc biệt là năm 2019 khi dư nợ với DNNVV giảm song thu nhập từ hoạt động tín dụng tăng do chi phí Chi nhánh mua vốn từ trụ sở chính thấp đối với một số gói ưu đãi lãi suất. Mặc dù trong một vài năm trở lại đây, các chính sách hỗ trợ vốn vay của ngân hàng nhà nước với các mức lãi suất vay ưu đãi đã kích thích sự phát triển của khối các DNNVV song do chi phí vốn đầu vào cạnh tranh nên chi nhánh vẫn bảo đảm lợi nhuận từ hoạt động cho vay. Là một ngân hàng luôn đi tiên phong trong việc áp dụng các chính sách lãi suất ưu đãi cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Vietcombank Đông Anh đã xác định mục tiêu trước tiên là mở rộng nguồn vốn cung ứng cho khối doanh nghiệp này, mở rộng số lượng khách hàng, kế đến mới là chỉ tiêu thu nhập từ lãi cho vay. NIM từ hoạt động cho vay DNNVV của Chi nhánh ở mức khoảng 2,2%/năm, cao hơn so với các Doanh nghiệp lớn (1,9%). Tuy nhiên, ngân hàng cũng chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc tăng thu nhập từ việc khai thác bán chéo các sản phẩm dịch vụ đi kèm hoạt động cho vay các DNNVV. Hoạt động bán hàng đơn thuần tập trung nhiều vào tín dụng mà bỏ qua nhiều lợi nhuận từ các mảng khác, đặc biệt là số dư tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản thanh toán, phí chuyển tiền trong và ngoài nước, bảo hiểm cho chủ doanh nghiệp…