- Các nhân tố thuộc về Khách hàng:
Để phân tích đánh giá khách hàng, ngân hàng dựa vào các tài liệu khách hàng cung cấp như báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh, hồ sơ pháp lý. Do đó, để việc đánh giá khách hàng được chính xác, các doanh nghiệp cần bảo đảm tính chính xác của các hồ sơ cung cấp cho Ngân hàng. Sau khi xem xét tính hợp pháp, hợp lệ của các tài liệu trên, các Ngân hàng thương mại thường tiến hành thẩm định kỹ càng một số yếu tố như năng lực hoạt động của doanh nghiệp (cơ sở vật chất của công ty thuộc sở hữu hay đi thuê. Công suất hoạt động của hệ thống máy móc thiết bị có đáp ứng khả năng sản xuất của doanh nghiệp hay không, ban lãnh đạo công ty có năng lực và kinh nghiệm như thế nào), tình hình tài chính (doanh nghiệp có mất cân đối tài chính hay không, cơ cấu tài chính có phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp, công ty có hàng tồn kho kém chất lượng, khoản phải thu khó đòi hay khoản nợ phải trả lớn không...), uy tín (uy tín thanh toán với đối tác và ngân hàng, công ty có các tranh chấp xảy ra trong quá trình hoạt động hay không...), phương án vay vốn (kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty có khả thi hay không). Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến việc tiếp cận vốn ngân hàng của các DNNVV Việt Nam còn rất hạn chế xuất phát từ chính bản thân các doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp không hiểu về chính sách tín dụng của NHTM, có tâm lý sợ thủ tục vay vốn của ngân hàng rườm rà, phức tạp, việc giải quyết cho vay của ngân hàng khó khăn. Phần lớn các DNNVV thiết lập thủ tục vay vốn của ngân hàng không đúng quy định mà ngân hàng yêu cầu, dẫn đến tốn kém thời gian và chi phí, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp khiến tốc độ xử lý hồ sơ của các Ngân hàng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ rút vốn của công ty.
- Các nhân tố thuộc về môi trường kinh doanh.
Thứ nhất, trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cùng với xu hướng mở cửa và hội nhập hiện nay, lực lượng sản xuất ngày càng đóng vai trò quan trọng. Lực lượng sản xuất bao gồm các cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Lực lượng sản xuất biểu hiện
mức độ phát triển kinh tế xã hội của đất nứớc, mặt khác chịu ảnh hưởng rất lớn từ các thể chế chính sách và môi trường kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế càng quốc tế hóa bao nhiêu, hoạt động của các cá nhân, tổ chức cũng được mở rộng bấy nhiêu. Trong thời kì Việt Nam còn duy trì nền kinh tế tập trung bao cấp, phần lớn doanh nghiệp còn thuộc sở hữu Nhà nước nên không có sự tự chủ, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh, khiến cho mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với NHTM rất yếu ớt. Tuy nhiên từ lúc bước vào cơ chế thị trường, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là việc giảm dần tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước, thay vào đó là sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp nước ngoài…Hiện nay, DNNVV là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân và chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tính đến tháng 8/2020, cả nước có khoảng 541.753 DNNVV đang hoạt động trong nền kinh tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn đăng ký của các DN. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động…( Chu Thanh Hải, Phát triển doanh nghiệp nhỏ
và vừa ở Việt Nam hiện nay, tại địa chỉ https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-
va-nhan-van/Phat- trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-96 ). Vì vậy NHTM ngày càng chú trọng mở rộng và nâng cao hiệu quả cho vay đối với DNNVV.
Thứ hai, trình độ phát triển và cơ sở hạ tầng của địa phương mà ngân hàng hoạt động. Với chiến lược mở rộng mạng lưới chi nhánh và gia tăng các điểm giao dịch, các NHTM luôn hướng tới việc khai thác tiềm năng ở nhiều địa phương, nhiều khu vực kinh tế khác nhau. Đối với đặc trưng của từng vùng miền, ngân hàng sẽ có chiến lược xây dựng phương hướng kinh doanh phù hợp. Ở từng địa phương, ngân hàng sẽ tiến hành khảo sát và phân loại khách hàng, xác định đối tượng tiềm năng mà ngân hàng hướng đến. Nếu địa phương đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp xây dựng, các loại hình dịch vụ mới nổi, các làng nghề truyền thống và chủ yếu là các DNNVV, thì hoạt động cho vay DNNVV sẽ rất thuận lợi. Mặt khác với một địa phương chủ yếu là các khu công nghiệp lớn, hoặc cơ sở hạ tầng yếu kém, chủ yếu
phát triển nông nghiệp thì hoạt động mở rộng cho vay DNNVV của ngân hàng đó rất yếu kém. Vì vậy, một trong những nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả cho vay DNNVV của ngân hàng là đặc trưng ngành nghề và trình độ phát triển của địa phương mà ngân hàng hoạt động.
Thứ ba, sự cạnh tranh của các ngân hàng khác trên cùng địa bàn. Với sự gia tăng của các dịch vụ ngân hàng-tài chính hiện nay, các NHTM không ngừng đẩy mạnh cạnh tranh nhằm gia tăng thị phần hoạt động, đi trước đón đầu trong việc tìm kiếm khách hàng. Hiện nay, hầu hết các NHTM đều nhận ra DNNVV là lực lượng khách hàng rất tiềm năng, do đó mức độ canh tranh trong hoạt động này càng gay gắt. Một ngân hàng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các NH khác, lại không có chính sách quảng bá phù hợp sẽ có nguy cơ bị thu hẹp thị phần hoạt động. Ngược lại, nếu trên địa bàn mới ít ngân hàng đặt chi nhánh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng đó chiếm lấy thị trường, gây dựng mối quan hệ với các DN và tăng cường mở rộng cho vay DNNVV. Ngay cả trong nội bộ Ngân hàng hiện nay, tình hình cạnh tranh giữa các Chi nhánh cũng đang diễn ra. Mặc dù không gay gắt như cạnh tranh giữa các Ngân hàng song điều này cũng cho thấy việc phát triển khách hàng và gia tăng dư nợ hiện nay tương đối thách thức với các Chi nhánh ngân hàng.