Ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 23/01/2020, trên cơ sở kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch SARS (năm 2003), cúm A/H1N1 (năm 2009), Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 121/CĐ-TTg và liên tiếp các ngày 28, 30/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, Chỉ thị số 06/CT-TTg, trong đó quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch. Ngày 30/01/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có công văn sổ 79-CV/TW, trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân
dân khân trương vào cuộc. Xác định phòng chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp và lan rộng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngày 30/03/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn ngay từ rất sớm, nổi bật trong số đó là một chiến lược chống dịch hợp lý, duy trì xuyên suốt và phù hợp với tình hình thực tế.Chiến lược đó bao gồm 5 bước là: “Ngăn chặn tối đa; Phát hiện kịp thời; Cách ly triệt để; Khoanh vùng dập dịch; Điều trị hiệu quả”. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được thành lập đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Một thông điệp phòng, chống dịch mang tên 5K cũng đã được kêu gọi trong toàn dân nhằm hạn chế sự lây lân của dịch bệnh trong cộng đồng. 5K là viết tắt 5 chữ cái đầu của thông điệp “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” với các nội dung chính:
Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Không tụ tập đông người.
Khai báo y tế: thực hiện khai báo y tế.
Việt Nam đã có nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu được áp dụng trong công tác phòng, chống dịch như: hạn chế nhập cảnh, tiến tới dừng nhập cảnh đối với tất
cả người từ nước ngoài vào Việt Nam; cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về; truy vết người tiếp xúc trên diện rộng, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào công tác theo dõi, truy vết dịch bệnh... Công tác chống dịch đã có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị của Bộ Y tế; giữa Bộ Y tế với các bộ, ngành liên quan và với các địa phương, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng lực với sự tham gia, đồng lòng của toàn thể người dân trong việc ứng phó dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ngay từ những ngày đầu khi dịch xảy ra, Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới để chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch cho một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Chúng ta đã quan tâm chăm sóc, điều trị cho người nước ngoài tại Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.