Tỉnh Quảng Ninh cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan trên cơ sở Luật Du lịch, chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, các văn bản chỉ đạo, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ. Cần tập trung rà soát, chỉnh sửa, xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về phát triển du lịch bền vững phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương trong tỉnh. Hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển du lịch, kiện toàn bộ máy quản lý từ tỉnh tới các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
Tỉnh Quảng Ninh cần thống nhất trong quản lý điều hành hoạt động du lịch thông qua sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong nội bộ ngành Du lịch cũng như với các ban, ngành khác về các hoạt động, như: lữ hành, lưu trú, xây dựng các tour du lịch,… Sửa đổi, bổ sung và ban hành thống nhất quy chế quản lý các khu du lịch đã được quy hoạch để giúp cho việc triển khai được đồng bộ, phát huy năng lực quản lý điều hành, khai thác hiệu quả phát triển du lịch.
Đặc biệt, Trung Quốc là một thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng. Tuy Quảng Ninh rất được du khách Trung Quốc yêu thích, nhưng Trung Quốc lại là nơi khởi nguồn của dịch Covid-19 nên tỉnh Quảng Ninh cần có những chính sách đặc biệt với du khách Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam có thể nghiên cứu và tận dụng hệ thống mã màu kiểm dịch của Trung Quốc để phân loại du khách. Đối với du khách có tiếp xúc hoặc có nguy cơ bị nhiễm Covid-19, cần tăng cường kiểm dịch, cách ly y tế. Trái lại, với những khách đã có chứng nhận an toàn, tỉnh Quảng Ninh có thể có những chính sách ưu đãi dành riêng cho những du khách này.
3.5.3. Tăng cường phối hợp liên ngành trong hoạt động du lịch
Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới ngành du lịch. Muốn kiểm soát được dịch bệnh thì cần có sự phối hợp liên ngành kịp thời và đúng đắn, đặc biệt là trong khâu kiểm soát du khách quốc tế xuất nhập cảnh vào Việt Nam. Là một tỉnh thuộc vùng
Đông Bắc Bộ, trên cả đất liền và vùng biển đều giáp với với Trung Quốc, Sở du lịch tỉnh và Cục Cửa khẩu cần tăng cường phối hợp liên ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên, đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động du lịch tại khu vực cửa khẩu, biên giới, hải đảo; trao đổi thông tin về số liệu khách du lịch xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, cửa khẩu cảng, phục vụ công tác thống kê du lịch và quản lý khách du lịch; tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp quản lý Nhà nước về du lịch và bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự biên giới quốc gia đối với hoạt động du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, cửa khẩu cảng, góp phần thu hút, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch, phát triển du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Để có sự phối hợp hiệu quả giữa Sở Du lịch và Cục cửa khẩu, cần có sự trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ công tác quản lý Nhà nước về du lịch; số liệu khách du lịch xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu cảng; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch tại khu vực biên giới, hải đảo theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. Số liệu này sẽ là cơ sở phục vụ công tác quản lý, bảo vệ an ninh quốc gia và hoạch định chính sách phát triển ngành du lịch. Phối hợp tiếp nhận, giải quyết và chuyển giao hồ sơ về các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động du lịch và các vi phạm về an ninh biên giới quốc gia trong hoạt động du lịch.
Ngoài ra, đối với các vùng biên giới, cửa khẩu, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ về du lịch và phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia tới các đối tượng liên quan thuộc phạm vi quản lý.