Đối với Chính phủ

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. (Trang 77 - 79)

Đảm bảo môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ổn định

Môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như các ngân hàng. Trong giai đoạn Việt Nam đang tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế thì môi trường cạnh tranh càng cao, nền kinh tế càng dễ biến

động, các doanh nghiệp càng dễ gặp nguy cơ thua lỗ, phá sản. Đảm bảo môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ổn định sẽ giúp cho các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao khả năng trả nợ ngân hàng.

Hoàn thiện quy trình, quy định xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm

Mặc dù đã có nhiều luật và văn bản liên quan quy định việc xử lý nợ cũng như việc ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm nợ vay khi khách hàng không trả được nợ mà điển hình là Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 (gọi tắt là Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc:

✓ Việc xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm phần lớn đều phụ thuộc vào thiện chí hợp tác của bên vay, chủ sở hữu tài sản bảo đảm. Nghị quyết 42 có quy định về việc áp dụng các thủ tục rút gọn tại tòa án, tuy nhiên nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Toà án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra tình tiết mới nhằm kéo dài thời gian giải quyết. Bên cạnh đó việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm cũng gặp nhiều khó khăn trong trường hợp bên chủ tài sản không có thiện chí hợp tác.

✓ Chưa hình thành thị trường mua bán nợ: Theo quy định tại Nghị quyết 42 ngân hàng được phép mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua bán nợ xấu diễn ra chủ yếu giữa ngân hàng và 2 đơn vị mua nợ chính là VAMC và DATC. Thị trường thứ cấp chưa hình thành, thiếu các nhà đầu tư và khó khăn trong xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ mua bán.

✓ Công tác thi hành án còn chậm: Trong thực tế có nhiều bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực thi hành và đã có đơn yêu cầu thi hành án của ngân hàng nhưng cơ quan thi hành án vẫn chưa thi hành án với nhiều lý do như bản án chưa rõ ràng cần làm việc lại với tòa án hoặc trong quá trình thi hành án phát sinh nhiều tình tiết làm kéo dài quá trình thi hành án. Do đó quá trình thi hành án thường kéo dài qua nhiều năm, gây khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Do đó, để việc xử lý nợ, thu hồi nợ của ngân hàng diễn ra nhanh chóng, giảm thiểu chi phí giao dịch cho ngân hàng, chính phủ cần hoàn thiện quy trình xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm đồng thời và có văn bản hướng dẫn cụ thể để các cơ quan liên quan phối hợp, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện cho ngân hàng nhanh chóng thu hồi các khoản nợ xấu.

Xây dựng hệ thống thông tin quốc gia công khai

Hệ thống thông tin quốc gia công khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc khai thác thông tin khách hàng, giảm thiểu thời gian, chi phí tìm kiếm thông tin. Hệ thống này phải được xây dựng trên cơ sở công nghệ thông tin hiện đại, kết nối từ địa phương tới trung ương, kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tra cứu, tìm kiếm thông tin.

Thực trạng hiện nay tại Việt Nam là thông tin nằm rải rác ở các cơ quan quản lý nhà nước mà chưa có quy định về việc phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan. Ngoài ra, thông tin lưu trữ chủ yếu ở dạng văn bản giấy tờ do vậy việc tra cứu thông tin rất khó khăn và mất nhiều thời gian thậm chí những thông tin cũ có thể bị thất lạc hoặc hư hỏng, rách nát. Vì vậy các ngân hàng thường không có được đầy đủ thông tin về lịch sử khách hàng. Chẳng hạn như muốn tìm hiểu thông tin về một cá nhân, ngân hàng sẽ phải liên hệ với địa phương nơi cá nhân cư trú nhưng cũng chỉ có được những thông tin sơ sài như tình trạng hôn nhân, những người cùng chung sống… mà không có những thông tin về sở hữu tài sản, các giao dịch tài sản trong quá khứ. Do đó việc triển khai xây dựng hệ thống thông tin quốc gia là việc vô cùng cần thiết, một mặt là phục vụ công tác quản lý của nhà nước nhưng đồng thời cũng giúp các ngân hàng thuận lợi trong việc khai thác thông tin về khách hàng.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. (Trang 77 - 79)