• Môi trường pháp lý, kinh tế
Nợ xấu gây tác động tiêu cực lên các ngân hàng thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chính vì vậy cần có một hệ thống pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để tạo thuận lợi cho việc phòng ngừa và xử lý nợ xấu. Ví dụ như các quy định về tỷ lệ an toàn trong cho vay, dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm… để đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu.
Ngoài môi trường pháp lý thì môi trường kinh tế lành mạnh cùng với việc minh bạch thông tin và phát triển đầy đủ các thị trường vốn, thị trường tiền tệ cũng là nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nợ xấu.
• Năng lực tài chính của ngân hàng
Xử lý nợ xấu đòi hỏi các ngân hàng phải có năng lực tài chính đủ mạnh. Trên thực tế, trong các biện pháp xử lý nợ xấu thì việc trích lập và sử dụng quỹ dự phòng
rủi ro thường được các ngân hàng áp dụng trước tiên đối với các khoản nợ xấu lâu ngày. Tuy nhiên việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ được tính vào chi phí và ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Vì vậy, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng là điều kiện quan trọng để các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong việc quản lý nợ xấu và giúp cho các ngân hàng thương mại vững vàng hơn nếu có tổn thất do nợ xấu gây ra.
• Ứng dụng công nghệ
Ngân hàng luôn là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp các ngân hàng xây dựng được hệ thống phòng ngừa, nhận biết sớm các rủi ro tín dụng có thể xảy ra. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ sẽ giúp các ngân hàng kiểm tra, giám sát hoạt động của mình hiệu quả hơn, từ đó góp phần quản lý nợ xấu hiệu quả.
• Nguồn nhân lực
Như đã nêu ở trên, chất lượng cán bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Bên cạnh đó đội ngũ nhân viên là người trực tiếp thực hiện mọi thủ tục trong ngân hàng, gắn liền với sự phát triển của ngân hàng. Chính vì vậy, việc tuyển chọn và đào tạo đội ngũ nhân viên ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý nợ xấu của ngân hàng. Việc xây dựng được đội ngũ nhân viên nhanh nhạy, nắm bắt được thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời rủi ro sẽ giúp ngân hàng phòng ngừa nợ xấu.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng cũng cần một đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, am hiểu luật pháp để nâng cao được hiệu quả của các biện pháp thu hồi nợ.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong quá trình tồn tại và phát triển, Ngân hàng luôn phải đối mặt với muôn vàn rủi ro trong đó có rủi ro tín dụng. Mọi biến động của nền kinh tế đều phần nào ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến nợ xấu của các Ngân hàng thương mại. Nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến bản thân Ngân hàng thương mại mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của một quốc gia. Về cơ bản, nợ xấu là vấn đề không tránh khỏi trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Chính vì vậy, vấn đề quản lý nợ xấu là vấn đề được quan tâm của các Ngân hàng thương mại.
Trong nội dung chương 1, tác giả đã đưa ra cái nhìn tổng thể về nợ xấu: khái niệm nợ xấu, nguyên nhân, các tác động của nợ xấu, các nhân tố ảnh hưởng đến nợ xấu và hoạt động quản lý nợ xấu tại các Ngân hàng thương mại.
Chương 2 tiếp theo trình bày về thực trạng nợ xấu và hoạt động quản lý nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG NỢ XẤU TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
2.1 Tổng quan về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam 2.1.1 Giới thiệu về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam