Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu kết hợp với thực trạng nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, luận văn xây dựng các giả thuyết như sau:
H1: Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu biến động ngược chiều và có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ nợ xấu
Khả năng sinh lời kém sẽ dẫn đến việc ngân hàng thiếu nguồn vốn trong các hoạt động của mình, trong đó có hoạt động quản lý nợ xấu dẫn đến làm gia tăng nợ xấu. Các nghiên cứu của Louzis et al (2010), Nguyễn Thị Hồng Vinh (2015) đã tìm thấy mối quan hệ ngược chiều giữa lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ nợ xấu. Khi các ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả thì tỷ lệ nợ xấu thấp.
H2: Vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản biến động ngược chiều và có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ nợ xấu
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản cao chứng tỏ khả năng tự chủ tài chính của ngân hàng cao và ngân hàng có khả năng sử dụng vốn chủ sở hữu để bù đắp tổn thất do nợ xấu gây nên. Nghiên cứu của Podpiera & Weill (2008) đã chỉ ra yếu tố vốn có ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. Các ngân hàng có tỷ trọng vốn chủ sở hữu cao sẽ ít gặp rủi ro và có tỷ lệ nợ xấu thấp.
H3: Tốc độ tăng trưởng tín dụng biến động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ nợ xấu
Khi ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng quá cao có thể dẫn đến việc nguy cơ phê duyệt các khoản vay kém chất lượng, từ đó dẫn đến việc gia tăng nợ xấu.
Nghiên cứu của Salas & Saurina (2002) đã kết luận tốc độ tăng trưởng tín dụng và nợ xấu có mối tương quan cùng chiều. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Vinh (2015) cũng đưa ra kết quả tương tự.
H4: Thu nhập lãi cận biên biến động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ nợ xấu:
Khi ngân hàng gia tăng mức biên lợi nhuận của mình đồng nghĩa với việc gia tăng lãi suất cho vay. Khi đó dẫn đến lựa chọn đối nghịch là các khách hàng có mức độ rủi ro cao sẽ dễ chấp nhận mức lãi suất cao hơn dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu. Kết quả nghiên cứu của Fofack (2005) đã đưa ra nhận định rằng yếu tố thu nhập lãi cận biên có mối quan hệ cùng chiều với tỷ lệ nợ xấu.
H5: Tỷ lệ nợ xấu năm trước biến động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ nợ xấu:
Việc tồn đọng nợ xấu xuất phát từ sự yếu kém trong quá trình thu hồi nợ. Nợ xấu tồn đọng sẽ làm tăng gánh nặng xử lý nợ cho các khoản nợ trong tương lai. Rất nhiều nghiên cứu đã đánh giá tác động của tỷ lệ nợ xấu trong quá khứ đến tỷ lệ nợ xấu hiện tại. Các nghiên cứu đều đưa ra kết luận là tỷ lệ nợ xấu năm trước có mối quan hệ cùng chiều với tỷ lệ nợ xấu hiện tại như Louzis et al (2010), Salas & Saurina (2002), Nguyễn Thị Hồng Vinh & Nguyễn Minh Sáng (2018)
H6: Tốc độ tăng trưởng GDP thực biến động ngược chiều và có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ nợ xấu:
Chỉ tiêu này tăng thể hiện nền kinh tế đang trong giai đoạn tăng trưởng. Khi đó hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan, giảm thiểu nguy cơ phát sinh nợ xấu. Ngược lại, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, rủi ro vỡ nợ của các khách hàng vay vốn gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng nợ xấu của ngân hàng. Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều đưa ra kết luận là tốc độ tăng trưởng GDP thực biến động ngược chiều với tỷ lệ nợ xấu như Salas & Saurina (2002), Nguyễn Thị Hồng Vinh & Nguyễn Minh Sáng (2018). Tuy nhiên kết quả nghiên cứu của Inekwe Murumba (2013) lại đưa ra kết luận ngược lại.
H7: Tỷ lệ lạm phát biến động cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ nợ xấu:
Lạm phát gia tăng sẽ làm cho thu nhập thực của khách hàng bị giảm sút. Bên cạnh đó lạm phát tăng cũng khiến cho mặt bằng lãi suất tăng, gia tăng áp lực trả nợ cho các khách hàng vay vốn. Từ đó nguy cơ phát sinh nợ xấu cũng tăng lên. Nghiên cứu Fofack (2005) đã chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát có ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu, khi tỷ lệ lạm phát tăng sẽ kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng theo.