Các quy định, chính sách, điều luật trong hệ thống luật tác động trực tiếp đến M&A bao gồm tất cả quy định về cho phép, hạn chế, cấm đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực; cho phép tự do hay hạn chế quyền sở hữu; cho phép tự do hoạt động hay hạn chế một số điều kiện hoạt động, các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động M&A… Bên cạnh đó là sự vận hành của thị trường khi có dòng vốn từ thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: cạnh tranh bình
đẳng hay bất bình đẳng, thông tin của thị trường có minh bạch, kịp thời, rõ ràng… Các quy định kể trên nếu được thông thoáng, ít rào cản, được tạo nhiều điều kiện, ưu đãi thì sẽ thu hút được dòng vốn M&A từ bên ngoài. Hoạt động M&A của Thái Lan và Việt Nam được quy định chủ yếu tại Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và phù hợp với các cam kết quốc tế liên quan đến hoạt động M&A mà hai nước là thành viên.
Các chính sách ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động M&A như chính sách thương mại (bao gồm thuế, hải quan, hạn ngạch, giấy phép, trợ cấp, hàng rào kỹ thuật, các quy định buôn bán nội địa…). Doanh nghiệp khi thực hiện M&A sẽ có xu hướng đầu tư ở các nước có thuế quan thấp, minh bạch, nhiều hạn ngạch, ít tiêu chuẩn, kỹ thuật về hàng rào kỹ thuật, có nhiều trợ cấp từ chính phủ và các quy định buôn bán ở nội địa thông thoáng… Vì các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc yếu tố sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, một số chính sách ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động M&A như chính sách hỗ trợ đầu tư theo cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng miền (khuyến khích, tập trung phát triển ngành nào, vùng nào, ở đâu…)