3.3.1.1. Giải pháp về chính sách liên quan đến khung pháp lý, pháp luật
-Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng: Mặc dù khung pháp lý có vai trò tối quan trọng trong hoạt động và sự phát triển của M&A, tuy nhiên, khung pháp luật của Việt Nam về M&A còn chưa được quy định rõ ràng, chưa được chuẩn hóa các định nghĩa về M&A dễ gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư.
Do đó, luận văn xin đề xuất một số hướng để xây dựng chính sách và pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán và sáp nhập như sau:
+ Thứ nhất, các văn bản pháp lý về M&A cần được bổ sung và hoàn thiện, đảm bảo sự nhất quán, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật chung. Hệ thống luật điều chỉnh về M&A cần quy định chi tiết qua 2 phương diện:
•Các nguyên tắc, thủ tục, phương pháp định giá, quyền và nghĩa vụ các bên tham gia.
•Các tình huống xử lý tài chính, lao động và các vấn đề phát sinh sau khi thương vụ M&A được thực hiện.
Quy định rõ ràng, chi tiết sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng thực hiện M&A dễ dàng hơn và các cơ quan quản lý thị trường dễ dàng đánh giá, nắm bắt những vấn đề liên quan đến thương vụ: mức độ chi phối thị trường, tính độc quyền ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng…
+ Thứ hai, về trước mắt, hệ thống luật cần được xây dựng theo định hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động M&A giữa các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang phải đối diện với hai vấn đề khá lớn: •Việc giảm bảo hộ nền kinh tế, doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh trực tiếp bình đẳng đối với đối thủ nước ngoài.
•Doanh nghiệp Việt đa số có quy mô vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh còn yếu Do đó, nếu khung pháp lý điều chỉnh hoạt động M&A tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước thì sẽ là nền tảng đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn, cơ sở vật chất, con người cho doanh nghiệp, nâng tầm vị thế cho doanh nghiệp Việt Nam.
+ Thứ ba, Chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khung pháp lý về vấn đề đầu tư cần tạo điều kiện thuận lợi cho M&A. Do một phần lớn vốn FDI được dự báo sẽ chuyển sang dạng M&A nên cần hoàn chỉnh hơn nữa hành lang pháp lý để tận dụng nguồn vốn này. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân của đợt dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới. Song, chúng ta vẫn cần giữ, đưa ra những hạn chế nhất định, rõ ràng trong những ngành kinh tế trọng điểm để bảo vệ các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế, an toàn quốc gia.
+ Thứ tư, Chính phủ Việt Nam cần ban hành các chính sách, chuẩn mực về định giá tài sản vô hình một cách đáng tin cậy. Khi đó, doanh nghiệp khi thực hiện định giá trước M&A sẽ có thuận lợi như các loại tài sản khác. Chúng ta cần xây dựng mô hình định giá tài sản vô hình chuẩn quốc tế với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch để định giá.
-Xây dựng bộ hướng dẫn quy trình xin giấy phép đầu tư cho hoạt động M&A để giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng hơn trong việc hoàn thành các thủ tục, giấy phép cần thiết.
-Đẩy mạnh chính sách tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả. Có chính sách chuyển dần từ kinh tế tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế số, kinh tế xanh. Tái cấu trúc không chỉ đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước mà còn cần tái cấu trúc tổ chức tài chính tín dụng và cơ cấu ngành, vùng lãnh thổ.
-Kiểm soát tốt thị trường tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng (hệ thống phần mềm giao dịch, kiểm soát giao dịch) để các giao dịch diễn ra nhanh và hiệu quả hơn; thiết lập các quy định, chính sách về hệ thống quản lý thị trường, đặc biệt chú trọng đến thị trường bảo hiểm và chứng khoán vì đây là các thị trường nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm khi tìm kiếm cơ hội đầu tư M&A; giám sát thị trường, khống chế được các tin giả, làm thay đổi, bóp méo thị trường…
3.3.1.2. Giải pháp về chính sách liên quan đến hệ thống kế toán
- Xây dựng, chuẩn hóa và áp dụng đồng bộ chuẩn mực kế toán của Việt Nam với quốc tế. Chẳng hạn như chuẩn mực kế toán về đánh giá, ghi nhận, thuyết minh các công cụ tài chính.
-Xây dựng hệ thống báo cáo tài chính nhanh chóng, kịp thời, phân tích được nội tại tình hình tài chính đang vận hành.