Yếu tố về văn hóa là một trong các yếu tố quan trọng tác động, ảnh hưởng đến M&A qua biên giới. Sự khác biệt về cách thức tổ chức kinh doanh, văn hóa tiêu dùng, thị hiếu khách hàng khi mua sản phẩm ở hai quốc gia có thể gây khó khăn rất lớn đến sự vận hành, hòa hợp giữa hai công ty sau khi M&A được hoàn tất. Vì vậy, các quốc gia cần đánh giá tầm quan trọng của văn hóa, có chính sách về văn hóa hài hòa, hợp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp dễ dàng vận hành hơn khi tiến hành M&A.
Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Ngay từ những năm 1952, người ta
đã thống kê được có 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa trong các công trình nổi tiếng trên thế giới. Theo UNESCO, văn hóa được định nghĩa như sau: Văn hóa nên được đề cập như một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và cảm xúc của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. Ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt – Chủ tịch, Tổng giám đốc của InvestConsult Group - cho rằng: văn hóa, nói một cách giản dị, là những gì còn lại sau những chu trình lịch sử khác nhau, qua đó, người ta có thể phân biệt được các dân tộc với nhau.
Khi tiến hành hoạt động M&A, sự giao thoa văn hóa, hòa hợp văn hóa của công ty cũ và mới là điều không thể tránh khỏi. Để tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành và vận hành sau M&A, văn hóa là một nhân tố rất quan trọng. Do đó, quốc gia nào có nhiều chính sách tốt, du nhập được văn hóa thế giới một cách đồng bộ, chọn lọc, sẽ tạo điều kiện rất lớn cho sự thành công của hoạt động M&A.
Thách thức lớn nhất có thể cản trở tham vọng mua bán sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp là hoạt động M&A cũng luôn tiềm ẩn những thách thức to lớn, bởi khi hai doanh nghiệp ký kết thương vụ M&A thì ngoài những giá trị cộng hưởng to lớn mà doanh nghiệp có thể có được thì những bất đồng, xung đột mới thực sự bắt đầu nảy sinh và trong nhiều trường hợp thì đây lại là lý do chính dẫn tới sự thất bại của rất nhiều thương vụ M&A. Khi hai doanh nghiệp ở hai môi trường, vùng lãnh thổ hay quốc gia có những nét văn hóa, thói quen hành xử, sự giao tiếp khác nhau về cùng hoạt động dưới một công ty, phải nói cùng một thứ ngôn ngữ, hướng tới cùng một giá trị là điều rất phức tạp và cần thời gian cho sự hòa hợp này.
Theo Ths. Trịnh Thị Phan Lan và Ths. Nguyễn Thị Thùy Linh trong “M&A và tác động của yếu tố văn hóa” đăng trên tạp chí Khoa học ĐHQGHN (2010), 5 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến Văn hóa doanh nghiệp gồm có: Áp lực gia tăng năng suất công việc, sự minh bạch nơi làm việc, gia tăng tính di động của nhân viên, nhân viên làm việc từ xa, và cuối cùng là M&A. Đặc biệt, bài viết này cũng thể hiện tư duy và hành động của cấp lãnh đạo đối với Văn hóa doanh nghiệp.
Hòa hợp văn hóa trong hoạt động M&A không có nghĩa là xâm lược văn hóa. Nếu có sự “thôn tính” nền văn hóa này với một nền văn hóa khác thì không được gọi là hòa hợp hay hòa nhập văn hóa nữa. Vấn đề chính sách liên quan đến văn hóa đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với các thương vụ M&A xuyên quốc gia mà cả trong phạm vi một quốc gia. Nhưng đáng tiếc, khi thực hiện M&A, có rất ít công ty quan tâm đến vấn đề này. Các công ty khi tiến hành M&A thường chỉ quan tâm nhiều hơn đến việc giành thị phần, lợi nhuận… Nếu chỉ nghĩ đến “hội nhập hay hòa hợp văn hóa” sau khi thương vụ M&A hoàn tất thì đó là sai lầm lớn.
M&A là một hoạt động kinh tế phức tạp, được thực hiện qua nhiều phương thức với nhiều thủ tục, quy trình. Tuy nhiên, hoạt động này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng quy mô sản xuất, tạo được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong và ngoài nước. Để một quốc gia vững mạnh, có điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính phủ ngoài việc đàm phán ký kết các hiệp định hội nhập kinh tế quốc tế, cần điều tiết, ban hành các chính sách về pháp luật, tài khóa, tiền tệ cũng như văn hóa để điều chỉnh, tạo điều kiện, thúc đẩy hoạt động M&A từ sâu trong nội hàm nền kinh tế của quốc gia mình.
CHƯƠNG 2
CÁC CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG M&A CỦA THÁI LAN