Môi trường thông tin nội bộ công ty

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường thông tin và cơ chế quản trị công ty đến hoạt động sáp nhập và mua bán tại Việt Nam (Trang 31 - 34)

Môi trường thông tin công ty được hiểu là tập hợp các yếu tố bên trong và bên ngoài công ty phản ánh các thông tin có ảnh hưởng đến hoạt động của một công ty. Môi trường thông tin là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của một công ty. Môi trường thông tin công ty có thể phân biệt gồm môi trường thông tin nội bộ và môi trường thông tin bên ngoài.

Môi trường thông tin nội bộ là tập hợp các yếu tố bên trong công ty phản ánh các thông tin có ảnh hưởng đến hoạt động của một công ty. Môi trường thông tin nội bộ phản ánh tính minh bạch của công ty so với các đối tác khác, thể hiện thông qua chất lượng báo cáo tài chính công bố và sự biến động giá thị trường của cổ phiếu công ty. Theo giả thuyết thị trường hiệu quả thì giá tài sản phản ánh công khai tất cả các thông tin sẵn có của công ty ra bên ngoài, trong trường hợp xảy ra tình

trạng bất đối xứng thông tin cao nhiều khả năng sẽ gây ra hiệu ứng thanh khoản trong ngắn hạn. Chính vì vậy, chất lượng thông tin công bố sẽ quyết định trực tiếp mức độ bất đối xứng thông tin giữa những người nắm giữ thông tin bên trong công ty và những nhà đầu tư bên ngoài. Nếu như cơ chế truyền thông, luật chống thâu tóm, yếu tố liên quan đến thị trường tiêu thụ, nhà cung cấp,... ảnh hưởng đến môi trường thông tin bên ngoài thì hành vi quản trị lợi nhuận, thanh khoản cổ phiếu, chất lượng quản trị công ty, sở hữu cổ đông, chất lượng kiểm toán... là các yếu tố nội tại, đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng môi trường thông tin bên trong. Trong nghiên cứu này sẽ tập trung thảo luận hai khía cạnh liên quan đến môi trường thông tin bên trong, gồm quản trị lợi nhuận và thanh khoản cổ phiếu.

2.1.2.1. Quản trị lợi nhuận

Trong bối cảnh thị trường không hoàn hảo, các nhà quản lý đã can thiệp trong quá trình công bố thông tin nội bộ ra bên ngoài để đạt những mục tiêu nhất định như tránh việc công bố các báo cáo thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ lợi ích cá nhân, ổn định tâm lý cổ đông và các nhà đầu tư, bảo vệ danh tiếng công ty, nâng giá cổ phiếu trong quá trình đàm phán thâu tóm, hạn chế sự biến động tiêu cực giá chứng khoán trên thị trường, thậm chí có thể giúp hạn chế những thỏa thuận đầu tư không mong muốn,...

Barth và cộng sự (2013) cho rằng quản trị lợi nhuận đề cập đến tác động của nhà quản lý thông qua việc điều chỉnh trong báo cáo tài chính và cấu trúc các giao dịch để làm thiên lệch các thông tin nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân của mình. Từ quan điểm của Barth và cộng sự có thể nhận thấy nguyên nhân xuất hiện hành vi quản trị lợi nhuận xuất phát từ động cơ của các nhà quản lý và sự bất đối xứng thông tin giữa những người bên trong và những người bên ngoài công ty. Trong giai đoạn trước khi thông báo M&A, các công ty đi thâu tóm sử dụng quản trị lợi nhuận để “làm đẹp” thu nhập, dẫn đến tăng thị giá cổ phiếu (Erickson và Wang, 1999). Tuy nhiên, hành vi quản trị lợi nhuận có sự khác biệt giữa các công ty, Aijna và Habib (2017) cho rằng hành vi quản trị lợi nhuận liên quan đến khả năng thanh khoản của thị trường chứng khoán. Quản trị lợi nhuận có xu hướng gia tăng ở các

công ty đi thâu tóm trước các thương vụ mua lại sử dụng phương thức thanh toán hoán đổi cổ phiếu (Botsari và Meeks, 2018).

Nhìn chung, trong nghiên cứu này, hành vi quản trị lợi nhuận được hiểu là các thao tác can thiệp số liệu báo cáo tài chính của các nhà quản lý để điều chỉnh lợi nhuận của công ty theo ý muốn chủ quan nhằm đạt được các mục tiêu nhất định.

2.1.2.2. Thanh khoản cổ phiếu

Amihud và Mendelson (2000) định nghĩa thanh khoản cổ phiếu là khả năng một cổ phiếu dễ dàng chuyển đổi thành tiền và dễ dàng sử dụng tiền để đầu tư vào cổ phiếu đó. Hay nói cách khác, thanh khoản cổ phiếu được hiểu là khả năng chuyển đổi một cách nhanh chóng một cổ phiếu thành tiền. Vai trò quan trọng của thanh khoản cổ phiếu đối với các khía cạnh liên quan đến quyết định tài chính, đặc biệt là quyết định M&A của các công ty ngày càng được khẳng định. Thanh khoản đóng vai trò là chìa khóa quan trọng trong việc định giá cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu càng cao làm giảm chi phí vốn chủ sở hữu và tăng giá tài sản (Amihud và cộng sự, 2005), đồng thời làm gia tăng kiểm soát của cổ đông lớn từ đó góp phần cải thiện khả năng giám sát các nhà quản lý (Ednans và cộng sự, 2013). Trong thực tế, việc làm giảm các vấn đề đại diện có thể giúp cải thiện chất lượng cũng như gia tăng khả năng thành công của các thương vụ. Bên cạnh đó, thanh khoản cổ phiếu tăng thể hiện thông qua việc tăng giá cổ phiếu trên thị trường là một trong những tín hiệu phản ánh tình trạng bất đối xứng thông tin thấp, công ty có tính minh bạch thông tin cao (Lang và cộng sự, 2012). Các nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn các cổ phiếu có tính thanh khoản cao trên thị trường (Amihud và cộng sự, 2005). Một số minh chứng thực nghiệm đã chỉ ra định giá cổ phiếu cao là một trong những động cơ thúc đẩy việc thực hiện các thương vụ mua lại hoán đổi cổ phiếu (Shleifer và Vishny, 2003; Fang và cộng sự, 2009), và các công ty đi thâu tóm công khai có xu hướng tìm kiếm các công ty mục tiêu có thanh khoản tốt trên thị trường (Massa và Xu, 2013). Tuy nhiên, mức độ thanh khoản phụ thuộc nhiều vào tính minh bạch thông tin của các công ty niêm yết, chính sự hiện diện của bất đối xứng thông tin

trên thị trường đã làm giảm khả năng thanh khoản (Jacoby và cộng sự, 2000), và do đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư vốn của các nhà đầu tư trên thị trường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường thông tin và cơ chế quản trị công ty đến hoạt động sáp nhập và mua bán tại Việt Nam (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)