Một số bằng chứng từ các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hành vi quản trị lợi nhuận của công ty đi thâu tóm nhằm gia tăng giá cổ phiếu công ty trước khi thực hiện các thương vụ M&A đã ảnh hưởng trực tiếp tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu7 trong các thương vụ giao dịch lựa chọn phương thức thanh toán bằng hoán đổi cổ phiếu (Erickson và Wang, 1999), từ đó tác động đến chi phí mua lại, giá chào mua, và cuối cùng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thành công của giao dịch (Schwert, 1996; Louis, 2004; Betton và cộng sự, 2008). Erickson và Wang (1999) nhận thấy các công ty đi thâu tóm gia tăng quản trị lợi nhuận nhằm “đẩy” giá cổ phiếu trước các thương vụ thanh toán bằng hoán đổi cổ phiếu. Schwert (1996) nhận thấy trên 60% các thương vụ có chi phí tăng thêm, dẫn đến tăng tổng chi phí8 của các công ty đi thâu tóm trong các thương vụ mua lại thành công. Nếu các công ty mục tiêu theo đuổi hành vi quản trị lợi nhuận, nhiều khả năng sẽ làm thay đổi giá trị sổ sách cổ
7 Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu phản ánh số lượng cổ phiếu mà bên thâu tóm phát hành để đổi lấy 1 cổ phiếu mục tiêu theo thỏa thuận (Erickson và Wang, 1999)
phiếu công ty, thiên lệch các số liệu tài chính khác, dẫn đến việc định giá không chính xác giá trị cổ phiếu cũng như tác động đến tính hấp dẫn của cổ phiếu công ty.
Đặc biệt, trong các thương vụ giao dịch bằng cổ phiếu, khi các công ty đến từ các quốc gia khác nhau, mức độ bất đối xứng thông tin cao thì vấn đề thiếu hụt thông tin giữa các bên tham gia sẽ dẫn đến tình trạng các công ty không thể kiểm soát được mức giá mà đối tác đưa ra khi chấp nhận thanh toán bằng hoán đổi cổ phiếu, điều này dễ dẫn đến gia tăng phần bù thương vụ phải trả của công ty đi thâu tóm khi thương vụ giao dịch hoàn tất. Barth và cộng sự (2013) nhận thấy rằng những công ty ít có hành vi quản trị lợi nhuận sẽ có chi phí vốn thấp hơn và phản ánh chính xác hơn giá trị công ty. Brigida và Madura (2012) xác nhận lợi tức cổ phiếu công ty mục tiêu trong các thương vụ mua lại nội địa trước khi công bố thương vụ thấp hơn so với trong các thương vụ mua lại xuyên biên giới. Ở một khía cạnh khác, Graham và cộng sự (2008) chỉ ra rằng xác suất xảy ra các thương vụ xuyên biên giới cao hơn khi các công ty đi mua lại có tính thanh khoản cao.
Thanh khoản cổ phiếu có thể là một trong những thước đo phản ánh tình hình hoạt động của công ty, do đó các công ty đi thâu tóm nước ngoài có xu hướng tìm kiếm các công ty có tính thanh khoản cao. Nguyên nhân xuất phát từ việc bất đối xứng thông tin cũng như sự khác biệt về văn hóa, tiêu chuẩn kế toán, khung pháp lý mà các công ty đi thâu tóm thường tìm kiếm các công ty mục tiêu nước ngoài hoạt động tốt để dễ dàng định giá, tính toán giá trị cộng hưởng và đề xuất mức giá mua lại hợp lý (Ye, 2014).
Các lập luận ở trên cho thấy dường như các công ty đi thâu tóm nước ngoài mong muốn và nỗ lực tìm kiếm các công ty mục tiêu có thanh khoản tốt, hành vi quản trị lợi nhuận thấp. Hàm ý, các công ty có môi trường thông tin minh bạch có khả năng trở thành mục tiêu được tìm kiếm trong các thương vụ mua lại xuyên biên giới. Do đó, giả thuyết nghiên cứu tiếp theo được thiết lập như sau:
Giả thuyết H2: Các công ty đi thâu tóm xuyên quốc gia có xu hướng tìm kiếm mua lại các công ty mục tiêu có môi trường thông tin nội bộ minh bạch.