Một số nghiên cứu xem xét đặc điểm cụ thể của các yếu tố quản trị cấp độ công ty đến quyết định lựa chọn công ty mục tiêu theo khu vực mua lại (Leuz và cộng sự, 2009; Kling và Weitzel, 2011; Hamberg và cộng sự, 2013; Miletkov và cộng sự, 2014). Nghiên cứu của Leuz và cộng sự (2009) nhận thấy các công ty nước ngoài ít đầu tư vào các công ty có cơ chế quản trị kém. Nghiên cứu của Miletkov và cộng sự (2014) chỉ rõ các công ty đi thâu tóm nước ngoài có xu hướng tìm kiếm các công ty mục tiêu có hội đồng quản trị độc lập ở các quốc gia có môi trường thể chế kém phát triển.
Ở bình diện công ty đi thâu tóm, xác suất xảy ra các thương vụ mua lại xuyên biên giới cao hơn khi CEO không kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị (Kling và Weitzel, 2014). Trong khi đó, một số nghiên cứu tập trung làm rõ ảnh hưởng của cơ chế quản trị công ty đến quyết định lựa chọn khu vực thâu tóm xét ở lăng kính công ty mục tiêu (Leuz và cộng sự, 2009; Dang và cộng sự, 2017; Đặng Hữu Mẫn và cộng sự, 2017). Kết quả từ các nghiên cứu này nhận thấy các đối tác mục tiêu có cơ chế quản trị công ty càng mạnh thì khả năng trở thành mục tiêu tìm kiếm trong các thương vụ mua lại xuyên quốc gia càng gia tăng. Dang và cộng sự (2017) lý giải việc tìm kiếm mục tiêu đầu tư có cơ chế quản trị công ty mạnh sẽ góp phần làm giảm thiểu các vấn đề liên quan đến chi phí đại diện, bất đối xứng thông tin và các rủi ro từ quá trình mua lại, đặc biệt là khi các công ty đi thâu tóm không cùng quốc gia với công ty mục tiêu. Nhìn chung, các nghiên cứu hiện tại đã gợi ý rằng các công ty đi thâu tóm cân nhắc các yếu tố liên quan đến quản trị công ty khi đưa ra các quyết định đầu tư của mình bởi lẽ các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến chi phí và lợi ích đạt được từ các thương vụ mua lại. Theo đó, các công ty đi thâu tóm xuyên biên giới có xu hướng tìm kiếm, lựa chọn các công ty có cơ chế quản trị
mạnh tại thời điểm mua lại để giảm rủi ro đầu tư quốc tế. Trong khi đó, các công ty đi thâu tóm nội địa theo đuổi các công ty mục tiêu có cơ chế quản trị công ty yếu với kỳ vọng việc cải cách các vấn đề quản trị có thể gia tăng giá trị tạo ra từ các thương vụ thâu tóm sau khi quá trình mua lại hoàn tất.
Đối với thị trường đang phát triển, các nghiên cứu hiện có nhận thấy rủi ro khi đầu tư ở các thị trường này cao hơn nhiều so với thị trường phát triển (Dang và cộng sự, 2018; Otto và cộng sự, 2021). Trong bối cảnh đó, việc ra quyết định của công ty đi thâu tóm từ bên ngoài nhiều khả năng nhằm mục tiêu tìm kiếm các đối tác có hoạt động kinh doanh tốt, môi trường quản trị mạnh để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư quốc tế. Do đó, giả thuyết nghiên cứu cuối cùng được đề xuất như sau:
Giả thuyết H4: Các công ty đi thâu tóm xuyên quốc gia có xu hướng tìm kiếm mua lại các công ty mục tiêu có cơ chế quản trị mạnh.